Vụ xe cứu hỏa: Đừng để đau thương tiếp diễn...

Là người từng lái nhiều loại xe trên các cung đường Nam-Bắc, tôi hiểu về quan niệm đi đứng trên đường cao tốc của anh em tài xế mình. 

Đó là đường một chiều, quyền ưu tiên được chia đều cho các xe đi cùng chiều. Nếu phía trước có chướng ngại vật (như trường hợp có tai nạn) thì tài xế phải được báo trước và việc cảnh báo phải được lặp đi lặp lại nhiều lần từ xa...

Khi vào đường cao tốc, hầu hết tài xế đều tận dụng tốc độ tối đa mình được phép đi để rút ngắn thời gian di chuyển. Với thói quen đi đứng của anh em tài xế như vậy, tôi tự hỏi mình sẽ xử lý thế nào khi ngồi vào vị trí người tài xế xe khách trong vụ việc ở cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ? Thú thật khó mà tránh được tai nạn như đã xảy ra!

Có người nói rằng lúc đó xe cứu hỏa đã hụ còi, phát đèn ưu tiên từ xa mà tài xế xe khách không chịu nhường đường? Theo tôi, nếu nhận ra tín hiệu có xe đi ngược chiều thì không tài xế nào dám không nhường đường, bởi lao lên là tự sát. Nghĩa là anh ta không nhận ra có nguồn nguy hiểm được cảnh báo phía trước. Điều này chỉ những tài xế từng ngồi sau tay lái xe khách, chạy với tốc độ cho phép trên đường cao tốc mới hiểu. Tiếng gió hú ngược chiều, âm thanh hỗn tạp của những chiếc xe chạy phía trước đã gây nhiễu tiếng còi phát ra từ xe cứu hỏa đến tai tài xế. Về tín hiệu ánh đèn ưu tiên, lúc đó do trời mưa phùn và do xe phía trước choán hoặc xe vào khúc quanh bị che mất tầm nhìn mà có thể người tài xế ấy không thấy...

Luật Giao thông đường bộ quy định xe ưu tiên khi làm nhiệm vụ được miễn chấp hành một số điều kiện luật định cho các loại xe thông thường khác. Nhưng “miễn” không có nghĩa là cho xe lao vào vùng nguy hiểm, gây tai nạn rồi quy trách nhiệm cho đối tượng khác.

Qua câu chuyện này, các anh em tài xế, dù ưu tiên hay không ưu tiên, cũng cần phải quan sát kỹ tình hình thực tế trước mắt mình mà xử lý cho phù hợp, để không còn xảy ra những vụ tai nạn đau lòng tương tự nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm