Ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Cà Mau, đã có cuộc trao đổi để thông tin thêm về quá trình thực hiện dự án.
1. Về việc giao đất để thanh toán giá trị dự án BT theo hợp đồng với doanh nghiệp:
Theo ông Thánh, trước đây các nghị định của Chính phủ về đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư (BT) vẫn cho thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư để triển khai dự án khác nhằm hoàn vốn cho dự án BT. Tuy nhiên, ngày 28-3-2018, Bộ Tài chính có Công văn số 3515/BTC-QLCS yêu cầu các tỉnh, thành trong cả nước tạm dừng việc giao đất trả nợ nhà đầu tư dự án BT, chờ nghị định mới của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Theo ông Thánh, vì nhiều lý do, Cà Mau không thể dừng theo yêu cầu của Bộ Tài chính.
Bởi trước thời điểm Bộ Tài chính đề nghị tạm dừng, Cà Mau đã giao Công ty Cổ phần Thương mại 268 (công ty thay mặt Công ty Đồng Tâm nhận đất để thực hiện dự án hoàn vốn) hơn 15 ha đất và công ty này đang tiến hành dự án nhà ở thương mại Happy Home.
Sau khi có đề nghị tạm dừng của Bộ Tài chính, Cà Mau tiếp tục giao thêm đất thanh toán cho dự án BT này. Ông Thánh nêu lý do: “Sau khi Bộ Tài chính đề nghị tạm dừng, chúng tôi có công văn gửi Bộ Tài chính báo cáo và nói rõ không thể dừng được. Bởi vì việc lựa chọn nhà đầu tư dự án BT đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc thực hiện đúng theo quy định và hai bên đã ký kết hợp đồng vào ngày 28-5-2015, sau đó ngày 13-7-2017 ký phụ lục hợp đồng. Việc thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án hoàn vốn được triển khai đồng thời với dự án BT. Cà Mau thấy rằng việc tiếp tục thực hiện dự án BT đã ký kết, trong đó có việc thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư là phù hợp quy định của pháp luật. Từ đó, Cà Mau báo cáo với Bộ Tài chính vẫn tiếp tục thực hiện các hợp đồng BT đã ký kết, kể cả việc giao đất thanh toán dự án BT cho Công ty Đồng Tâm”.
Thực tế triển khai dự án BT đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, ông Thánh thông tin thêm: Đến nay Cà Mau đã giao Công ty Đồng Tâm 61,21 ha đất để thực hiện dự án hoàn vốn cho dự án BT.
2. Có phải thông qua đấu giá khi giao đất?
Trong cuộc trao đổi, ông Thánh cũng đồng ý với báo Pháp Luật TP.HCMkhi trích dẫn Điều 118 Luật Đất đai 2013 quy định phải đấu giá quyền sử dụng đất đầu tư xây dựng nhà ở để bán.
Tuy nhiên, theo ông Thánh, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP,
Nghị định số 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ và một số nghị định quy định về đầu tư dự án đối tác công tư (BT) cho phép giao đất cho nhà đầu tư BT không phải qua đấu giá mà trên cơ sở thẩm định giá theo các quy định của Chính phủ.
Có lẽ chính điều này đã tạo ra nhiều kẽ hở dẫn đến lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước thông qua việc giao đất, tài sản công thực hiện các dự án BT ở nhiều nơi mà Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra. Từ đó mà ngay sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành (ngày 1-1-2018), Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thông qua Công văn số 1248/VPCP-KTTH ngày 2-2-2018 đã chỉ đạo Bộ Tài chính hướng dẫn, đề nghị tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT kể từ ngày 1-1-2018 cho đến khi có nghị định mới của Chính phủ quy định việc này.
Mới đây, theo đề nghị của Bộ Tài chính, trong khi chờ nghị định, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 160/NQ-CP quy định cụ thể các trường hợp sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT. Theo nghị quyết, việc sử dụng tài sản công để thanh toán trong việc này phải bảo đảm đúng quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai, pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan đang có hiệu lực tại thời điểm ký kết hợp đồng BT.