Diện mạo nào cho đô thị dọc sông Sài Gòn? - Bài 2

Đừng bóp nát diện mạo sông Sài Gòn

Sông Sài Gòn đoạn chảy qua địa phận TP.HCM dài đến 80 km nhưng do chưa có đường giao thông thông suốt ven sông nên người dân muốn thưởng ngoạn cảnh đẹp ven sông phải đi bằng ghe, tàu. Hiện các tour du lịch đường sông không nhiều, giá cũng không rẻ nên hầu như chỉ thấy khách nước ngoài tham quan.

View dòng sông mất dần

“Đất mặt tiền sông Sài Gòn bây giờ quý hơn vàng, chỉ đại gia mới mua nổi” - giám đốc một công ty bất động sản nhỏ ở TP.HCM nói có vẻ chua chát khi trao đổi với chúng tôi về thị trường bất động sản hiện nay, nhất là những khu đất nằm ở những vị trí đắc địa dọc sông Sài Gòn.

Theo vị giám đốc trên, có hai sự nuối tiếc đối với không gian sông Sài Gòn mà người dân bình thường nào cũng có thể nhận thấy, nhất là những người sống gần sông. “Đó là TP gần như không có không gian công cộng dọc sông. Chúng ta muốn ngắm sông phải mất tiền vào nhà hàng, quán ăn, quán cà phê. Đối với những khu đô thị cao cấp ven sông, hầu hết đó cũng là không gian riêng của họ” - vị này lập luận và bày tỏ lo ngại về tình trạng hiện nay khu vực ven sông Sài Gòn đoạn gần trung tâm TP có quá nhiều nhà cao tầng, che khuất tầm nhìn về hướng sông.

Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng sông Sài Gòn có cảnh quan rất đẹp cần được bảo vệ, không nên cho xây nhà cao tầng sát sông. “Nhà cao tầng không chỉ che khuất tầm nhìn về hướng sông mà còn cản gió gây nóng bức cho đô thị bên trong. Do đó, xây dựng càng nhiều nhà cao tầng ven sông thì càng làm giảm giá trị đô thị. Đó là chưa nói đến những vấn đề phát sinh như tác động xấu đến môi trường, gia tăng ngập lụt… Quy hoạch của TP.HCM nên theo hướng xây dựng thấp dần về phía dòng sông” - ông Sơn cảnh báo.

Kỹ sư Vũ Hải, chuyên gia về lĩnh vực chống ngập đô thị, còn bày tỏ lo ngại về tình trạng xây dựng quá nhiều tuyến đê kè dọc sông với độ cao lớn sẽ làm mất đi cảnh quan dọc sông Sài Gòn. “Hiện nay, TP.HCM dự kiến xây dựng rất nhiều tuyến đê kè ven sông để chống ngập, có tuyến đê dự kiến xây cao đến 3 m nên sẽ che khuất tầm nhìn về sông Sài Gòn, làm giảm giá trị cảnh quan ven sông. Tôi nghĩ TP nên tính toán lại phương án xây đê kè quá cao” - kỹ sư Vũ Hải bày tỏ.

TP.HCM gần như không có không gian công cộng dọc sông; muốn ngắm sông phải mất tiền vào nhà hàng, quán ăn… Ảnh: KB

Nhà cao tầng không chỉ che khuất tầm nhìn về hướng sông mà còn cản gió gây nóng bức cho đô thị bên trong, làm giảm giá trị đô thị. Ảnh: KB

Hướng đến lợi ích cộng đồng

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, sông Sài Gòn có ý nghĩa rất đặc biệt đối với TP.HCM nhưng từ năm 1975 đến nay quy hoạch ven sông Sài Gòn gần như bị bỏ quên. Việc TP.HCM đưa vấn đề quy hoạch, khai thác tiềm năng dọc sông Sài Gòn là điều nên làm. Trước mắt, TP.HCM nên đánh giá hiện trạng dọc sông Sài Gòn để có phương án quy hoạch, quản lý phù hợp.

Quy hoạch khai thác tiềm năng dọc sông Sài Gòn là rất quan trọng, làm tăng bản sắc đô thị cho TP.HCM. Tuy nhiên, quy hoạch phải nhằm mục đích tăng không gian công cộng, phục vụ cộng đồng. Quy hoạch phải tuân thủ những nguyên tắc ứng xử với dòng sông như tăng mảng xanh ven sông, mở rộng diện tích mặt nước. Mở đường giao thông ven sông như đường dành cho người đi bộ, đi xe đạp…

KTS Ngô Viết Nam Sơn  

“hiện nay dọc sông Sài Gòn có rất nhiều nhà cửa án ngữ mặt tiền sông, rất khó để mở đường ven sông?” - chúng tôi đặt vấn đề. “Đúng là ở TP.HCM tình trạng xây dựng chiếm lấn không gian ven sông rất nhiều. Do đó, cần phải khảo sát, đánh giá hiện trạng cụ thể. Nơi nào có thể thu hồi đất được thì thu hồi. Nơi nào nếu phương án thu hồi đất tốn nhiều tiền thì mở đường vòng phía sau, để tạo sự kết nối giao thông liên tục dọc sông. Như vậy người dân mới tiếp cận được không gian ven sông” - KTS Nam Sơn nói.

Cũng theo KTS Nam Sơn, TP.HCM cần phát triển mạnh về giao thông đường thủy, tạo ra nhiều tuyến buýt đường sông để phục vụ nhu cầu đi lại và thưởng ngoạn cảnh quan của người dân. “Các tuyến buýt đường sông không cần chạy đường dài mà có thể phục vụ những đoạn ngắn, những nơi người dân có nhu cầu đi lại nhiều. Các bến tàu, buýt đường sông cũng cần được tính toán để sau này kết nối với nhà ga của những tuyến đường sắt đô thị” - ông Sơn phân tích thêm.

Cùng quan điểm, một KTS (đề nghị không nêu tên) cũng cho rằng quy hoạch phát triển dọc sông Sài Gòn phải nhắm đến lợi ích lâu dài, bền vững cho cộng đồng. “Không nên để xảy ra tình trạng xây dựng quá nhiều khu đô thị ven sông. Những khu đô thị xây dựng kiểu biệt lập với những căn nhà cao tầng sẽ làm cho dòng sông bị bóp nghẹt, cảnh đẹp tự nhiên của dòng sông Sài Gòn sẽ mất dần” - vị này lo ngại.

Nghiên cứu kỹ địa chất dọc sông

TS Đỗ Văn Lĩnh, Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam, cho biết qua quá trình nghiên cứu cho thấy có tình trạng đứt gãy địa chất dọc sông Sài Gòn. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính gây sụt lún, ngập lụt khu vực TP.HCM trong những năm gần đây. Do đó, khi TP.HCM quy hoạch khai thác tiềm năng dọc sông Sài Gòn cần phải nghiên cứu kỹ về tình trạng đứt gãy địa chất dọc sông.

Theo TS Lĩnh, hiện nay TP.HCM chỉ mới có bản đồ địa chất tỉ lệ 1/50.000, do đó để có những cảnh báo chính xác hơn về lún sụt cần phải nghiên cứu xây dựng bản đồ địa chất tỉ lệ 1/10.000. Việc nghiên cứu xây dựng bản đồ này mất hơn hai năm. Quy hoạch khai thác tiềm năng dọc sông Sài Gòn là rất quan trọng, làm tăng bản sắc đô thị cho TP.HCM. Tuy nhiên, quy hoạch phải nhằm mục đích tăng không gian công cộng, phục vụ cộng đồng. Quy hoạch phải tuân thủ những nguyên tắc ứng xử với dòng sông như tăng mảng xanh ven sông, mở rộng diện tích mặt nước. Mở đường giao thông ven sông như đường dành cho người đi bộ, đi xe đạp…

KTS Ngô Viết Nam Sơn

____________________________

Kỳ tới, bài 3: Đánh thức tiềm năng sông Sài Gòn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm