Bộ GTVT vừa có văn bản tiếp tục yêu cầu VEC khẩn trương sửa chữa hư hỏng mặt đường bê tông nhựa dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đảm bảo an toàn, kỹ thuật và chất lượng.
Công văn nêu rõ: Một lần nữa Bộ GTVT nghiêm khắc phê bình chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc VEC và các đơn vị nhà thầu, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế liên quan trong việc tổ chức thực hiện xử lý hư hỏng mặt đường bê tông nhựa dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi không đạt yêu cầu kỹ thuật theo quy định, không thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông. Đặc biệt là vấn đề gây mất an toàn giao thông cho người lao động và phương tiện giao thông qua lại,… đã tạo nên hình ảnh phản cảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Hình ảnh vá víu cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi khiến dư luận bức xúc. Ảnh: Internet
Bộ GTVT yêu cầu VEC khẩn trương chỉ đạo nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát thống kê đầy đủ để xử lý, sửa chữa, khắc phục căn cơ, triệt để các vị trí hư hỏng mặt đường bê tông nhựa trên toàn tuyến, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng và tuyệt đối an toàn giao thông, an toàn lao động.
VEC phải chấn chỉnh thay thế ngay các nhà thầu sửa chữa, vá víu mặt đường tạm bợ, thủ công,... Đồng thời, yêu cầu nhà thầu huy động đầy đủ máy móc, thiết bị chuyên dụng, vật tư, vật liệu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Tổ chức phân luồng giao thông, bố trí rào chắn, biển báo, người cảnh giới đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động cho công nhân thi công và an toàn giao thông khi thi công sửa chữa.
Bộ GTVT khẳng định tổng giám đốc VEC chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Bộ GTVT nếu việc xử lý, sửa chữa, khắc phục hư hỏng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và chất lượng hoặc để xảy ra mất an toàn giao thông, an toàn lao động trong quá trình thực hiện.
Trước đó, ngày 11-10, Bộ GTVT đã có công điện yêu cầu VEC chỉ đạo các nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thực hiện trách nhiệm liên quan theo quy định của hợp đồng, khẩn trương triển khai thực hiện công tác sửa chữa triệt để các hư hỏng mặt đường dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, thực tế công tác sửa chữa, khắc phục hư hỏng mặt đường bê tông nhựa của nhà thầu thực hiện không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, không tổ chức phân luồng giao thông và bố trí rào chắn, thiết bị cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông trong khi thi công sửa chữa. Công nhân thi công không có thiết bị bảo hộ lao động, thiếu sự kiểm tra, giám sát kỹ thuật của các bên có liên quan,... như thông tin, hình ảnh đã được cơ quan quản lý đường bộ, chính quyền các địa phương, một số cơ quan báo chí và người dân cung cấp, phản ánh.