Ngày 21-11, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết từ ngày 25-11, tuyến vận chuyển hành khách công cộng bằng đường thủy (buýt sông) số 1 sẽ chính thức hoạt động.
Theo ông Bùi Xuân Cường (người cầm micro), tuyến buýt sông được mở lại lần này có kết hợp với du lịch, vui chơi giải trí, thưởng ngoạn từ trên bến, dưới tàu đến các điểm đến với phương tiện và cách thức phục vụ hiện đại, hứa hẹn sẽ "sống được" và hấp dẫn người dân sử dụng đi lại. Còn ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư - người đứng bên trái), cho biết tuyến buýt sông sẽ hoạt động giống như xe buýt trên bộ. "Theo đó, vào cao điểm sáng chiều trung bình giãn cách 30 phút sẽ có một chuyến đi về giữa bến Bạch Đằng và bến Linh Đông. Dù không được trợ giá nhưng để tạo thói quen sử dụng cho người dân thì dù không khách Thường Nhật vẫn chạy tàu buýt - Water Bus" - Ông Toản nói.
Sơ đồ tuyến số 1 dài 10,8 km qua các bến: Bạch Đằng (quận 1) - Sài Gòn Pearl (Bình Thạnh) - Bình An, Thảo Điền (quận 2) - Tầm Vu, Thanh Đa (Bình Thạnh) - Bình Triệu, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông (Thủ Đức).
Theo ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông thủy Sở GTVT TP, việc đưa tuyến buýt số 1 vào hoạt động sẽ là cú hích mới cho hoạt động vận chuyển hành khách bằng đường sông với các hình thức và phương tiện mới như tàu cao tốc hai thân (thay cho tàu cánh ngầm) đi về giữa TP với Vũng Tàu và hướng sắp tới là đi Gò Công, xa hơn nữa là đi Cần Thơ.
Các loại tàu cánh ngầm sẽ được thay thế bằng tàu cao tốc hai thân để tham gia vào vận chuyển hành khách công cộng bằng đường sông.
Các loại tàu du thuyền đang phát triển mạnh ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, Phú Mỹ Hưng... cũng sẽ góp phần vào vận chuyển hành khách du lịch bằng đường sông thay vì đi bằng đường bộ.
Khách du lịch đi bằng ca nô theo sông Sài Gòn lên Đồng Nai, về miền Tây cũng sẽ được chú trọng khai thác trong thời gian tới. Cạnh đó, các loại tàu, thuyền, ca nô, nhà hàng trên sông... sẽ là "khách hàng" thường xuyên neo đậu, đón rước khách ở khu vực bến Bạch Đằng (thay vì neo đậu bên khu bến Nhà Rồng - Khánh Hội). Đây sẽ là nguồn thu để Công ty TNHH Thường Nhật "sống" và mạnh miệng tuyên bố buýt sông không cần trợ giá, không khách cũng... chạy!
Cũng trong định hướng phát triển vận chuyển khách bằng đường sông kết hợp với du lịch TP vừa định hình và sẽ đưa vào khai thác bảy tuyến du lịch bằng đường sông. Trong ảnh: Khách khám phá Rừng Sác, Cần Giờ theo đường sông. Ảnh từ Internet
Hồi tháng 11-2016, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nói TP có hơn 1.000 km đường sông đang... nằm ngủ. Muốn đánh thức tiềm năng này thì ngoài cơ chế, chính sách đầu tư bến bãi đến khai thác mặt nước trước bến, đất trên bờ... thì rất cần ý thức bảo vệ môi trường đường sông của tất cả mọi người.
Với những dòng kênh nước đen như Kênh Tẻ và bờ bến lam nham như trong ảnh sẽ tác động tiêu cực tới các tuyến buýt đường sông sẽ mở ra trong thời gian tới. Cụ thể tuyến buýt sông số 2 từ bến Bạch Đằng đi Lò Gốm qua kênh Bến Nghé, Tàu Hũ sẽ bị ảnh hưởng bới ô nhiễm ở kênh Tẻ. Nước của các dòng kênh này bị ô nhiễm nặng nên các tuyến buýt sông dự định mở từ hơn 10 năm trước đành... lỡ hẹn.
Gần nhất, tuyến buýt - du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mở ra tháng 9-2015 nay phải... "đứng hình" vì dòng kênh này đã được cải tạo nhưng vẫn... dơ.
Rõ ràng, cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư tốt và môi trường không khí, sông nước trong lành sẽ là những điểm tựa để buýt - du lịch đường sông phát triển và góp phần giải cứu ách tắc trên đường bộ đang ngày càng trầm trọng.