Tuy giảm cả ba tiêu chí về số vụ, người chết, người bị thương nhưng số vụ tai nạn, người chết vẫn còn cao, để lại những hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình và xã hội.
Theo VNR, các tai nạn xảy ra nhiều tại các lối đi tự mở dọc trên đường sắt (chiếm 80% số vụ tai nạn). Thống kê của VNR cho thấy dọc hệ thống đường sắt quốc gia hiện có 4.211 đường ngang dân sinh trái phép.
Nhằm kéo giảm tai nạn đường sắt, VNR kiến nghị Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nghiên cứu, phát động xã hội hóa công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các lối đi tự mở qua đường sắt; kêu gọi, thu hút sự góp sức của cộng đồng thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí giao cắt. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt. Kiến nghị UBND các tỉnh, TP có đường sắt đi qua tiếp tục thực hiện quyết liệt quy chế phối hợp về đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí giao cắt đường bộ-đường sắt; gắn kết quả thực hiện với trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương; phối hợp với VNR tiến hành rà soát, xây dựng lộ trình xóa bỏ, giảm dần các lối đi tự mở trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, 2025.
VNR cũng đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm thông qua việc quyết định giành 7.000 tỉ đồng nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương (2016-2020) để triển khai thực hiện bốn dự án nâng cấp, cải tạo các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội-TP.HCM. Ngoài ra, Bộ GTVT báo cáo Chính phủ sớm bố trí kinh phí thực hiện các hạng mục, dự án ưu tiên nâng cấp, chuyển đổi đường ngang phòng vệ bằng biển báo lên thành phòng vệ bằng tín hiệu cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn tự động; xây dựng hàng rào cách ly, đường gom để tiến tới xóa bỏ, giảm dần lối đi tự mở.