Sớm báo cáo hai dự án metro TP.HCM lên Chính phủ

Ông Nguyễn Văn Thể cho biết các dự án trên được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản rất quan tâm. Vì vậy, chậm nhất ngày 28-2, Bộ GTVT có báo cáo Chính phủ những vấn đề cơ bản của dự án và ngày 10-3, Bộ GTVT báo cáo hoàn chỉnh đầy đủ về công tác thẩm định tổng mức đầu tư và các kiến nghị liên quan.

Tiến độ thi công tuyến metro  Bến Thành-Suối Tiên bị chậm do thiếu vốn. 

Ông Thể yêu cầu nội dung thẩm định cần làm rõ quá trình dự án từ lúc sơ khai đến nay, cũng như những thay đổi về chủ trương, quy định pháp luật liên quan đến dự án trong quá trình triển khai, đơn giá, định mức, tỷ giá hối đoái... để kết quả thẩm định, kiến nghị phù hợp thực tế.

Đối với dự án Bến Thành - Suối Tiên, trong thẩm định tổng mức đầu tư có thể tách thành hai nhóm, một nhóm gồm khối lượng dự án đã thi công xong và phần còn lại chưa thi công. Việc thẩm định cũng dựa trên các điều kiện thực tế của mỗi nhóm để từ đó đưa ra tổng mức đầu tư sát với thực tế nhất.

Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) và Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM, trong 2 dự án trên, hiện chỉ có dự án Bến Thành - Suối Tiên đang được thi công (dài khoảng 20km, khởi công từ tháng 8-2012), đã đạt khoảng hơn 50% khối lượng, tỷ lệ giải ngân vốn đối ứng đạt 26%, vốn vay ODA đạt 38%.

Tuyến Bến Thành - Tham Lương đến nay đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; cơ bản hoàn thành toà nhà văn phòng, các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương. Dự án đang trong giai đoạn đấu thầu tuyển chọn nhà thầu xây dựng song song với quá trình điều chỉnh dự án. Hai dự án do UBND TP.HCM phê duyệt dự án, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn trong nước và vốn ODA của Nhật Bản.

Trong đó, dự án Bến Thành - Suối Tiên được phê duyệt từ năm 2005-2006 với tổng mức đầu tư ban đầu là 126.582 triệu yen (tương đương 17.387 tỉ đồng). Sau đó được TP.HCM điều chỉnh lên 236.626 triệu yen (tương đương 47.325 tỉ đồng). Trong đó, vốn vay ODA của cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) khoảng 41.000 tỉ đồng (chiếm 88,4% tổng mức đầu tư) và vốn đối ứng từ ngân sách TP là 5.491,6 tỉ đồng.

Dự án Bến Thành - Tham Lương, tổng mức đầu tư sau khi tính toán lại cũng bị đội vốn từ mức 26.000 tỉ đồng lên 48.771 tỉ đồng. Hiện cả hai dự án đều chậm tiến độ và thiếu vốn. Theo quy định, dự án có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỉ đồng phải báo cáo Quốc hội để xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, trong đó giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng và UBND TP.HCM thẩm định việc điều chỉnh TMĐT dự án này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời gửi Bộ KH&ĐT để chủ trì, phối hợp với UBND TP.HCM xây dựng Báo cáo của Chính phủ, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14.

 

Tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM Bến Thành-Suối Tiên bao gồm 11 ga trên cao, ba ga ngầm và một depot. Dự án đã ký được ba hiệp định với tổng vốn vay là 155,364 tỉ yen Nhật.

Tuyến metro số 2 có chiều dài toàn tuyến gần 20 km (Thủ Thiêm - Bến xe Tây Ninh) chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dài 11,3 km (Bến Thành - Tham Lương) đi qua các quận 1,3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú. Trong đó, có 9,3 km đi ngầm với độ sâu trung bình 18m. Toàn tuyến có 10 ga ngầm và một ga trên cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm