Chưa thể cấm xe máy khi hệ thống giao thông công cộng còn yếu

Liên quan đến việc Hà Nội đưa ra lộ trình cấm xe máy ở khu vực nội đô, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị, khẳng định việc cấm xe máy trong khu vực nội đô vào năm 2025 là thiếu cơ sở thực tế. Vì tới thời điểm năm 2016 xe buýt Hà Nội mới đảm đương được 8%-10% nhu cầu đi lại và trong chín năm tới, có thể thêm được hai tuyến metro như Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội cũng chỉ đáp ứng 1%-3% nhu cầu.

Đến năm 2025 nếu thành công thì giao thông công cộng mới đạt 20% nhu cầu đi lại, còn 80% vẫn phải là xe máy và ô tô là chính. “Nếu nội thành cấm xe máy thì người dân đi bằng gì là điều mà cơ quan chức năng phải cân nhắc kỹ và xem xét đánh giá lại lộ trình này…” - ông Thủy nói.

xe cá nhân tăng cao gây ùn tắc nghiêm trọng ở khu vực TP

Theo Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội, việc xe cá nhân tăng cao gây ùn tắc nghiêm trọng ở khu vực TP. Ảnh: VIẾT LONG

TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng trong 10 năm tới cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, xe máy vẫn là phương tiện quan trọng của 70%-80% người dân: “Tới năm 2025, xe máy có lẽ vẫn là phương tiện quan trọng của 30%-40% người dân để kiếm sống” - ông Thủy nói và cho rằng nếu đặt ra lộ trình này, vô tình khiến người dân chuyển sang mua sắm ô tô, như vậy sẽ ùn tắc và gây khó khăn hơn cho các nhà quản lý.

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, các nước cấm được xe máy thành công vì đảm đương được 40%-60% phương tiện công cộng, có quyền dùng biện pháp hành chính để cấm xe máy. “Chủ trương hạn chế xe máy về lâu dài là hợp lý nhưng không thể làm nóng vội, lộ trình phải căn cứ thực tế trên các chỉ tiêu phát triển phương tiện công cộng” - ông Thủy nói.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy, để giải bài toán này, trước hết Hà Nội cần nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị và hệ thống giao thông công cộng rồi hãy tính tới chuyện hạn chế xe máy. “Khi hệ thống vận tải hành khách công cộng tốt, chính quyền không cần cấm, người dân sẽ tự động bỏ xe cá nhân... Chúng ta phải hạn chế việc áp dụng các biện pháp hành chính để áp đặt lên người dân được…” - ông Thủy khẳng định.

PGS-TS Phạm Xuân Mai (ĐH Bách khoa TP.HCM) cho biết việc vạch ra lộ trình trên thì Hà Nội phải nhanh chóng phát triển giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm. Hiện nay Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại cho người dân. Như vậy từ đây đến mốc thời điểm đó Hà Nội phải tăng cường giao thông công cộng: “Bên cạnh đó cần phải tuyên truyền cho người dân về sử dụng giao thông công cộng…”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm