Viết để cứu rỗi nỗi đau
Nguyễn Trí đúng nghĩa là dân giang hồ với 20 năm lang bạt, làm đủ nghề. Qua thời trai trẻ, ông giã từ nghiệp lang bạt đầu rừng cuối bể, về nhà lao động tay chân kiếm cơm mong sống yên ổn với gia đình.
Tưởng như đã qua một thời giông gió, vậy mà những biến cố cuộc đời cứ dồn dập đổ xuống gia đình ông.
Đầu tiên là đứa con trai nghiện ma túy làm đảo lộn tất cả trật tự gia đình. Những tài sản đáng giá đều bị con đưa đi cầm cố. Ông đưa con trai vào trại cai nghiện. Chưa dứt nỗi lo âu về con trai và hai đứa cháu nội vắng cha thì ông lại đối diện với nỗi đau tột cùng khi đứa con gái út bị sát hại.
Tác giả Nguyễn Trí (giữa) nhận độc bản Bãi vàng, đá quý, trầm hương do NXB Trẻ tặng. Ảnh: TRÀ GIANG
Nguyễn Trí kể, trước nỗi mất mát quá lớn, ông thậm chí không thể khóc được. Ông mượn rượu để xua nỗi buồn đang gặm nhấm đến kiệt quệ thân xác, uống rượu đến mức no mà không say, không quên và không ngủ được. Cuối cùng ông cầm bút, viết vài trang tâm sự vứt vào một góc, thấy nhẹ nỗi lòng. Từ đó, cứ rảnh là Nguyễn Trí lại cầm bút, từng mảng ký ức cuộc đời lang bạt ở các bãi vàng, các cánh rừng… hiện lại dưới ngòi bút.
Cho tới khi viết được 40 cuốn tập vở học trò, một hôm Nguyễn Trí tình cờ nghe được hai người trong nhà sách trao đổi địa chỉ email của nhà văn Hồ Anh Thái. Ông lén ghi lại email rồi về nhà gửi truyện ngắn đầu tiên cho nhà văn Hồ Anh Thái. Từ đó kết nối một mối quan hệ, Nguyễn Trí gửi bản thảo cho nhà văn Hồ Anh Thái biên tập rồi gửi cho các báo. Những truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Trí từ đó xuất hiện trên Tuổi Trẻ cuối tuần, Thanh Niên, Đại Biểu Nhân Dân, Văn Nghệ… Nói về niềm vui khi truyện ngắn được đăng báo, Nguyễn Trí nói: “Tôi có một chiếc xe Wave Tàu, càng lên ga nó càng chạy chậm. Nhưng tôi đã lên xe, phóng nguyên một đêm để giải tỏa sự vui sướng, vậy mà cả tuần sau vẫn cứ lâng lâng, không thể viết được gì”.
Văn gai góc như đời
Tập truyện Bãi vàng, đá quý, trầm hương thực sự là những trải nghiệm của người trong cuộc. Nguyễn Trí viết về chính cuộc đời mình, về những mảnh đời của những người anh em kết nghĩa, đi với nhau hết thời thanh niên, qua thời trung niên.
Ông nói ông thuộc tính cách từng người, ăm ắp trong đầu những câu chuyện về sự bươn chải, nghĩa hiệp hay thói xấu, toan tính của từng nhân vật. Con chữ tuôn tràn trong đầu khi ông đi làm.
Đêm về, Nguyễn Trí ngồi vào bàn, cứ thế viết ra. Có lẽ vì vậy mà truyện của Nguyễn Trí chi tiết, dồn dập khiến mạch kể chuyện gấp gáp. Người đọc thi thoảng phải rời mắt khỏi trang sách để tránh cảm giác nghẹt thở.
Đọc Bãi vàng, đá quý, trầm hương, người ta thấy chất giọng kể chuyện lạnh lùng, gai góc, bất cần: “Tình yêu, tình thương, lòng thương hại? Đợi một thằng chết vì hầm sập, đứt dây sẽ có tình thương: Đ. má, thằng X chết rồi. Sao vậy? Nó uống xỉn xỉn đi ngang miệng hầm trượt chân té. Rồi sao? Sao trăng gì? Tụi bạn đưa nó ra đầu dốc Ma Trơi chôn, đâu ai biết nhà nó ở đâu, có biết cũng làm sao đưa về”.
Lời kể trong truyện là lời của gã giang hồ trong cuộc: Thô ráp, sần sùi, ngang tàng. Nguyễn Trí nói đó là sự thực cuộc sống của dân làm vàng. Dù có tình thương, tình yêu nhưng đối xử với nhau lạnh lùng, mạnh mẽ.
Ao ước cuộc đời có hậu
Nhân vật Minh “tàn” trong Bãi vàng, đá quý, trầm hương lấy nguyên mẫu cuộc đời của chính tác giả. Nguyễn Trí cũng như Minh “tàn”, làm nhiều nghề, mà nghề gì cũng chí thú, xuất sắc. Làm thợ bạc thì rành rẽ phân kim, làm thợ hồ thì giỏi dán gạch… Bây giờ viết văn thì cuốn đầu tay đã được giải thưởng. Vậy mà có vẻ như số phận vẫn trao cho ông thân phận khó nghèo. Ngang dọc giang hồ nhưng khi có dịp bước vào một nơi chốn sang trọng, tiện nghi, ông liền bị lạc lõng và choáng ngợp.
Đạo diễn Việt Linh kể, có lần cùng ông đến nhà một người bạn. Sự sang trọng của căn nhà cùng sự lịch lãm, bặt thiệp của những người nổi tiếng ở đó đã khiến ông bối rối. Và Nguyễn Trí đã phản ứng bằng cách nói rất nhiều. Sau đó, ông viết email cho đạo diễn Việt Linh tâm sự rằng ông không biết có nói quá đà hay không vì ông thực sự bối rối trong bối cảnh sang cả đó.
Hiện tại, ông kể vợ ông bán sirô đá bào ở cổng trường kiếm tiền mua gạo hằng ngày. Còn ông thì “ở nhà kẻ chân mày cho vợ”. Tiền nhuận bút đăng truyện ông dành làm những “việc lớn” như mua sách vở, quần áo, đóng tiền học cho hai đứa cháu nội. (Sau khi con trai đi cai nghiện, con dâu lấy chồng khác, hai vợ chồng ông nuôi hai đứa cháu nội.)
Nguyễn Trí bảo đời ông đã khá xô bồ, hư hao, chỉ mong một cái kết có hậu để có thể cười với cuộc đời.
TRÀ GIANG
Nguyễn Trí sinh năm 1956 tại Bình Định. Nguyên quán Quảng Bình. Từng trải qua nhiều nghề như đãi vàng, khai thác trầm hương, đá quý, đốt than, nấu đường lậu, chạy xe ôm, dạy Anh văn và làm đồ tể. Nguyễn Trí đã viết 200 truyện ngắn, trong đó có 50 truyện được đăng báo. Sắp xuất bản tập truyện ngắn Đồ tể (NXB Trẻ). _______________________________________ Bãi vàng, đá quý, trầm hương là một giá trị mới xuất hiện trên văn đàn. Tác giả lăn lộn với cuộc sống và viết thứ văn chương có vẻ bụi bặm, giang hồ nhưng đầy sức sống. Nhà văn TRẦN ĐỨC TIẾN, thành viên Hội đồng chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam |