Quê hương và đồng đội trong thơ một người lính

Năm 1957 anh về Hà Nội, theo học nghề sửa chữa đồng hồ rồi lại chuyển qua nghề thợ may tại nhà người anh cả có tay nghề nổi tiếng ở Hà Nội. Anh học nghề may được mọi người khen có “hoa tay” nhưng anh cảm thấy tù túng, cả ngày cứ chúi đầu xuống tấm vải…

Chàng thanh niên thích đi lính

Năm 1959, nhân Hà Nội có đợt tuyển nghĩa vụ quân sự, chàng thanh niên Hoàng Đức Chính nộp đơn. Tháng 3 cùng năm, anh về Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, đeo “lon” binh nhì.

Đó là lần thứ nhất anh bước vào đời lính.

Đầu năm 1965, sau tết Nguyên đán anh lại nộp đơn tái ngũ do sự thu hút của “Phong trào thanh niên ba sẵn sàng”. Lớp trẻ ngày ấy ở chỗ nào cũng râm ran chuyện ra tiền tuyến. Tháng 4-1965, anh có mặt trong đoàn thanh niên Hà Nội lên Thái Nguyên huấn luyện để đi Nam. Đầu tháng 7-1965, đoàn rời Thái Nguyên, lên xe lửa tại ga Đồng Quang vào ga Đò Lèn, Thanh Hóa, xuống xe hành quân bộ vượt Trường Sơn trong hơn ba tháng cho đến cuối tháng 10 thì đặt chân đến Phước Long.

Cuộc hành quân vượt Trường Sơn rất khốc liệt, từ con số 665 chiến sĩ ban đầu khi về tới trạm cuối của cuộc hành trình thì chỉ còn khoảng 300 người.

Nhà thơ, người lính Hoàng Đức Chính

Thời gian tại ngũ tổng cộng của anh Chính khoảng 18 năm, trải qua nhiều đơn vị trong Sư đoàn 9, miền Đông Nam Bộ và đông bắc Campuchia. Anh Chính trở về Hà Nội với “lon” trung sĩ. Tiếp đó anh theo học lớp trung cấp cơ khí 18 tháng, tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành nguội khuôn. Năm 1980 anh Chính được đơn vị cho chuyển ngành về Công ty Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam đóng tại Sài Gòn, với quân hàm đại úy. Năm 2000, nghỉ hưu.

Cả đời làm thơ vì đồng đội

Hoàng Đức Chính tự nhận: “Từ nhỏ tôi đã thích thơ, lúc học phổ thông càng mê thơ. Nhưng làm thơ có ý thức có lẽ là những ngày vượt Trường Sơn. Ở Trường Sơn, đơn vị hành quân ban ngày, đêm ngủ chúng tôi hay lấy đèn pin để xem ảnh người thân, riêng tôi thích làm thơ vào những lúc như thế. Mỗi khi ý thơ chợt đến, xé ngay mảnh giấy ghi vội, có khi ghi trên bao thuốc lá, khoảng gần 100 bài, viết theo dạng tùy hứng, chép lại vào hai quyển vở học sinh mang đi từ Hà Nội. Đáng tiếc, vào tháng 7-1969, tại Bến Tháp, Tây Ninh bom B52 rơi trúng hầm nên những kỷ niệm về Trường Sơn tôi không giữ được. Cũng may hôm ấy tôi và một số anh em trong đơn vị không ở trong hầm. Tôi lại tiếp tục viết. Bài thơ Hoa trong hầm vây lấn được đăng báo đầu tiên trên Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng năm 1972. Tôi cảm ơn người bạn Thái Gia Tiến đã giữ giúp thơ tôi hơn 30 bài, sau hòa bình anh ấy đã trả lại cho tôi, chính tôi cũng lấy làm bất ngờ”.

. Vì sao hình ảnh người lính được anh chọn làm chủ đề chính cho cả năm tập thơ?

+ Nhà thơ Hoàng Đức Chính: Trong khoảng 18 năm làm lính, tôi nghiệm ra một điều là không ở đâu tình cảm giữa con người với con người sâu đậm như những người lính với nhau! Trước những thử thách ác liệt, chuyện đồng đội nhận cái chết về mình để bạn sống là có thật chứ không phải cường điệu. Hằng ngày chia sẻ cho nhau tất cả vui buồn, hạnh phúc và đau khổ. Đùng một cái bom đạn cướp mạng sống của bạn mình, sao không cay đắng được? Bây giờ thỉnh thoảng họp mặt anh em trong đoàn đi B hồi ấy, chỉ còn khoảng 60 người. Người lính về chiến trường xưa/ Nơi đồng đội của anh không được về với mẹ/ Máu của người lính nơi đâu cũng là máu đỏ/ Lính trung đoàn thành tượng giữa cánh đồng…

Tôi còn nhớ vào dịp tết năm 1972, bọn tôi đón xuân có thuốc lá Điện Biên, kẹo Hải Hà từ Hà Nội gửi vào, vừa hút thuốc vừa ăn kẹo, mỗi người nói lên mơ ước của mình. Lúc ấy tôi nói: “Chỉ mong sau này còn sống trở về, có được việc làm, có cái xe đạp Thống Nhất để đi. Ra Hồ Gươm mắc võng nằm ngủ cho thỏa những ngày ngủ rừng”. Tôi còn sống và trở về sau chiến tranh, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất. Đồng đội tôi, hàng mấy trăm, mấy ngàn còn nằm rải rác ở Trường Sơn…

Hồn quê trong thơ

Bi kịch của chiến tranh không ầm ào nơi chiến địa mà có khi vọng lên từ câu hỏi của mẹ về đồng đội: “Đếm đồng đội của con trên quai ba lô. Mẹ hỏi mấy đứa không về? Nén hương lay gió bàn thờ. Tay mẹ vịn vào hồn người lính”.

Chuyện làng quê có cổng gió, lũy tre làng, bờ ao, giếng nước… là những hình ảnh xuyên suốt trong những tập thơ của Hoàng Đức Chính. “Giếng nước chưa kịp khử hết mùi phèn/ Lòng ái ngại gót chân cô hàng xóm/ Gió heo may thao thức chao cánh võng/ Tiếng gà bộn bề nỗi nhớ gốc đa” (bài Hương). Đó là nỗi nhớ không tên luôn thường trực trong người lính trẻ.

 

Nhà thơ hoàng Đức Chính cùng nhạc sĩ Đào Sơn mỗi ngày gặp nhau tại quán cà phê trò chuyện thời sự, xã hội, chuyện làng văn nghệ

Anh đã trải nghiệm về sự đổi thay của làng quê nhưng dặn nhau giữ gìn cái gốc đạo đức: “Già làng không sợ chết/ Chỉ sợ cái ác về hại trẻ con/ …Già làng có riêng điều ước:/ Lũ trẻ lớn lên không đánh đổi lương tâm lấy chiếc ghế bạc vàng” (bài Chiếc ghế). Khi ấy, anh lại nhớ lời mẹ dạy: “Mẹ không sợ tôi gục xuống trước đồng tiền/ Nhưng lại sợ đồng tiền dẫn lối cho tội ác” (bài Sự thật).

Cựu chiến binh-nhà thơ Hoàng Đức Chính không nguôi những suy nghĩ về tình hình đất nước, trăn trở về chủ quyền biển, đảo. Ông nói: “Tôi nghĩ đất đai bờ cõi của ta, ta phải giữ, mất thì phải đòi lại và đòi bằng được. Muốn đòi lại biển, đảo chỉ có cách là làm cho đất nước mạnh lên. Muốn vậy, biện pháp tích cực nhất là chống tham nhũng. Không chống được tham nhũng thì dân không tin”.

Xin chọn một nhận xét của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn thay cho lời kết của bài viết: “Với tập thơ Đi cùng phù sa, Hoàng Đức Chính thêm một dịp chứng minh những thao thức chưa nguôi trong lòng một người lính. Thơ giúp ông trả lời những trắc ẩn giăng mắc mỗi ngày: “Lang thang cùng với nỗi buồn/ Kẻ mua tiếng khóc, người buôn tiếng cười/ Đong sao cho hết sự đời/ Đất trời mây gió có người có ma”.

 

Hoàng Đức Chính trong mắt bạn thơ

Người lính cầm súng với tâm hồn đa cảm như anh đã âm thầm ghi nhận, phát hiện len lỏi tận bề sâu cuộc chiến…

Nhà thơ THANH TÙNG

Viết về cuộc sống ở chiến trường, Hoàng Đức Chính diễn tả những nỗi nhớ không bằng những từ thật da diết nhưng mà dung dị lắng sâu, khơi gợi. Thơ như thế dễ vào lòng người.

Nhà thơ NGUYỄN VŨ TIỀM

Nhà thơ Hoàng Đức Chính sinh năm 1940, quê Phú Chử, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Tác phẩm đã xuất bản: Hoa trong hầm vây lấn (NXB Văn học, 2005), Hai phía cổng làng (NXB Hội Nhà văn, 2007), Thời gian của đất (NXB Văn học, 2008), Cổng gió (NXB Hội Nhà văn, 2009), Đi cùng phù sa (NXB Hội Nhà văn, 2012).

Hai tập thơ mới nhất của Hoàng Đức Chính.

Nhà thơ-người lính Hoàng Đức Chính.

Nhà thơ Hoàng Đức Chính cùng nhạc sĩ Đào Sơn mỗi ngày gặp nhau tại quán cà phê, trò chuyện thời sự xã hội, chuyện làng văn nghệ.

NGUYỄN TÝ - THOẠI KHANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm