Chương trình thí điểm phải được đánh giá, kiểm định!

Bài báo bày tỏ băn khoăn về chất lượng của chương trình thí điểm này vì ngành chủ quản chưa làm rõ được các khâu trong quá trình thí điểm như xây dựng đề án, tổ chức biên soạn, tổ chức kiểm định và kế hoạch thí điểm ra sao… Báo Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu ý kiến dưới đây để làm rõ hơn vấn đề này.

Theo tôi, việc xây dựng và đưa vào áp dụng một chương trình đào tạo, không nhất thiết phải là thí điểm, thường trải qua các giai đoạn sau đây: Khảo sát và đánh giá nhu cầu của người học; xây dựng chuẩn kiến thức và nội dung của chương trình đào tạo; xây dựng khung chương trình đào tạo, biên soạn hoặc chọn (từ các nguồn có sẵn) tài liệu giảng dạy, đào tạo, tập huấn đội ngũ giảng dạy; triển khai chương trình đào tạo; đánh giá và hiệu chỉnh chương trình đào tạo; hoặc nếu cần thiết, điều chỉnh chuẩn kiến thức và nội dung.

Theo đó, trước khi được đưa vào áp dụng đại trà, một chương trình đào tạo có thể được triển khai thí điểm trong phạm vi hẹp. Khi chương trình thí điểm kết thúc, tùy tính chất và quy mô của chương trình, việc kiểm định và đánh giá chương trình có thể được thực hiện ở cấp sở hoặc bộ.

Ở Mỹ, việc đánh giá chương trình đào tạo ở bậc phổ thông thường được thực hiện ở cấp tương đương sở giáo dục (gọi là school district). Thành phần của các hội đồng đánh giá thường bao gồm nhiều thành phần như phụ huynh, giáo viên, các nhà quản lý giáo dục, đại diện cộng đồng địa phương.

Việc triển khai các chương trình thí điểm có yếu tố giáo viên bản ngữ thì không tránh khỏi việc thu thêm phí để đủ kinh phí trả thù lao cho giáo viên bản ngữ.

 ThS ĐÀO ĐỨC TUYÊN, Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm