SGK: Càng nhiều lựa chọn càng tốt!

Ngày 27-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Cuộc họp thống nhất việc ban hành một chương trình có nhiều bộ SGK. Tuy nhiên, chung quanh việc biên soạn SGK vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi: Việc biên soạn nên để cho một nhóm chuyên gia thực hiện hay mở rộng cho nhiều nhóm tác giả, cá nhân; Nhà nước sẽ chi hàng trăm tỉ đồng để đầu tư cho công tác biên soạn, in, phát hành hay xã hội hóa lĩnh vực này; việc xuất bản, phát hành nên giữ nguyên như hiện nay hay để nhiều nhà xuất bản (NXB) tham gia... Chung quanh những vấn đề này, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, đã trao đổi một cách thẳng thắn…

. Phóng viên: Có ý kiến cho rằng đội ngũ viết SGK hiện còn thiếu và chưa chuyên nghiệp, vì vậy không nên mở rộng mà nên giao cho một nhóm tác giả biên soạn như cách làm trước đây. Ý kiến này theo ông có xác đáng?

+ Ông Nguyễn Minh Nhựt: Với thực tế có thời gian lăn lộn trong lĩnh vực xuất bản, theo tôi ý kiến cho rằng đội ngũ viết SGK chưa chuyên nghiệp là chưa đầy đủ cơ sở. Vấn đề là chúng ta hiểu thế nào là chuyên nghiệp. Khi không có cùng một nhận thức chung thì khó mà đưa ra một nhận định xác đáng. Mặt khác, lấy cơ sở nào để có thể đảm bảo 100% rằng giao cho một nhóm chuyên gia là tốt hơn. Theo tôi, cách nào cũng có những ưu, khuyết riêng của nó. Vấn đề chúng ta cần là gì. Xã hội chúng ta cần những bộ SGK tốt cho con em chúng ta học tập và rèn luyện.

Tôi xin được nhấn mạnh ý “những bộ SGK tốt”. Vì thực tế thời gian qua, một bộ SGK thống nhất cho cả nước, cho tất cả vùng miền thì ngoài những ưu điểm cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập mà xã hội đã đề cập nhiều tôi xin không nhắc lại. Tôi chắc nhiều phụ huynh cũng như tôi đã có lúc suy nghĩ: Nếu muốn con em chúng ta phát triển toàn diện, theo kịp với các nước trong khu vực và thế giới trên nền tảng văn hóa và tâm hồn Việt Nam thì nên có SGK như thế nào để học. Nên với suy nghĩ cá nhân, tôi chọn phương án để nhiều người tham gia viết SGK hơn.

Các cơ quan quản lý nhà nước lúc đó sẽ làm nhiệm vụ thẩm định ban đầu. Còn xã hội sẽ là người quyết định những bộ sách nào sẽ được sử dụng do chất lượng và giá trị mang lại cho người học, người dạy của chúng. Tóm lại, những bộ SGK có chất lượng tốt, phù hợp với học sinh của từng vùng miền khác nhau, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại,... mới là những việc chúng ta phải nghĩ đến. Điều này nếu chỉ giao cho một nhóm chuyên gia, tôi sợ khó đạt được như mong đợi.

. Báo cáo trước UBTVQH ngày 27-9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết tổng kinh phí dự kiến cho đề án đổi mới chương trình - SGK là 778,8 tỉ đồng. Trong đó phí xây dựng chương trình, biên soạn một bộ SGK và thẩm định chương trình - SGK là 462 tỉ đồng. Có ý kiến cho rằng nên xã hội hóa việc biên soạn, in, phát hành SGK thì ngân sách sẽ giảm xuống đáng kể. Ý kiến của ông? 

+ Theo tôi, nếu nhiều người có khả năng (tôi xin nhấn mạnh cụm từ “có khả năng”) cùng tham gia biên soạn SGK thì xã hội và các cơ quan quản lý giáo dục, quý thầy cô... có thêm nhiều sự lựa chọn. Cơ hội để con cháu chúng ta được học những bộ SGK sẽ nhiều hơn. Cái lợi đó có gì sánh bằng!

Các tổ chức, cá nhân được phép biên soạn SGK, hứa hẹn thị trường sẽ phong phú, cạnh tranh lành mạnh, đưa đến nhiều SGK tốt cho người học. Ảnh: H.VI

Đương nhiên khi xã hội hóa khâu biên soạn, in, phát hành thì ngân sách nhà nước sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Dĩ nhiên các bộ SGK phải được biên soạn theo khung chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành. Việc thẩm định các bộ SGK này có thể do Bộ trực tiếp thẩm định hoặc phân cấp cho các địa phương. Việc này là việc của các cơ quan quản lý nhà nước nên tôi xin phép không lạm bàn nhưng nếu được phép nói ý riêng thì theo tôi, phân cấp có kiểm soát tốt hơn là Bộ trực tiếp làm. 

. Nếu sắp tới nhiều NXB được phép tham gia đầu tư biên soạn, xuất bản SGK thì NXB Trẻ có tham gia không, ông có ngại thiếu người viết SGK không? 

+ Làm SGK là không đơn giản, không phải muốn là làm được. Vì làm không khéo và không chuẩn thì di hại cho đời sau. Nếu chủ trương cho nhiều NXB tham gia thì với đội ngũ và tiềm lực hiện tại cùng với quá trình làm sách hơn 33 năm qua của NXB Trẻ, chúng tôi cũng sẽ tham gia một vài môn mà chúng tôi nghĩ là chúng tôi có thế mạnh. Chúng tôi không có tham vọng làm cả bộ SGK nếu các điều kiện cần thiết chưa đảm bảo. Chúng tôi chỉ làm những việc mà mình có khả năng và có lợi cho đời. 

. Xin cảm ơn ông.

PHONG ĐIỀN thực hiện

Cần gần 800 tỉ đồng

Tại buổi giải trình đề án đổi mới chương trình - SGK ngày 27-9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết cần khoảng 462 tỉ đồng để tập huấn cho đội ngũ biên soạn SGK, kể cả lực lượng của các tổ chức, cá nhân viết SGK, thẩm định SGK. Bộ dự kiến trong thời gian đầu có bốn bộ SGK của cả Bộ và các tổ chức, cá nhân biên soạn. Tuy nhiên, 462 tỉ đồng này chưa bao gồm kinh phí đào tạo lại đội ngũ giáo viên cũng như hỗ trợ địa phương để thực hiện chương trình - SGK mới.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng cần thêm 316,8 tỉ đồng để biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương; cung cấp kinh phí tập huấn cho địa phương, ghi hình bài giảng phát trên mạng; hỗ trợ tập huấn cho giáo viên ở vùng khó khăn... Như vậy, tổng cộng kinh phí để triển khai đề án chương trình - SGK mới là 778,8 tỉ đồng. Trong đó, 504,4 tỉ đồng là ngân sách trung ương; 274,4 tỉ đồng từ ngân sách địa phương. Tuy nhiên, ông Luận cũng cho biết có thể còn phát sinh thêm.

Nên giao cho một số NXB có năng lực

Tôi ủng hộ phương án Bộ GD&ĐT ban hành chương trình rồi giao cho các cá nhân và tổ chức viết SGK. Nhưng vẫn còn lo âu là Bộ sẽ kiểm định SGK như thế nào hay lại rơi vào cơ chế “xin-cho” như Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cảnh báo tại cuộc họp UBTVQH ngày 27-9.

Theo tôi, một giáo viên được đào tạo đúng chuẩn thì khi Bộ ban hành chương trình, giáo viên hoàn toàn có khả năng tự soạn bài giảng để dạy (như cách làm của các nước hay ở miền Nam trước 1975). SGK chỉ là một tài liệu tham khảo và giáo viên càng có nhiều sách để tham khảo càng tốt. Bởi vậy bước đầu Bộ GD&ĐT có thể chọn và giao cho một số NXB có năng lực và uy tín để thực hiện việc biên soạn SGK. Bộ không trao kinh phí gì cả, các NXB sẽ tự tập hợp lực lượng để biên soạn, thẩm định và chịu trách nhiệm về nội dung các ấn phẩm của mình trước xã hội và tự lo kinh phí in, phát hành theo cơ chế cạnh tranh.

TS NGUYỄN CAM, nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ dạy học (Viện Nghiên cứu giáo dục TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm