Tại buổi đối thoại, một số DN Hàn Quốc cho biết gần đây cơ quan thuế yêu cầu phải đăng lý trước cả mã vạch được dán trên sản phẩm gia công xuất khẩu do công ty sản xuất hàng may mặc. DN nhận được thông báo cần phải đăng ký trước mã vạch tại Cục Quản lý chất lượng.
Theo một đại diện DN Hàn Quốc, quy định này nhằm đảm bảo việc quản lý hiệu quả các mã vạch được lưu thông ở Việt Nam, thế nhưng những mã vạch được gắn trên sản phẩm xuất khẩu lại không được lưu thông tại Việt Nam.
Mã vạch của nước ngoài cấp này được gắn lên sản phẩm nhằm giúp nước nhập khẩu sử dụng trong quá trình lưu thông phân phối sau khi gia công sản xuất. Điều này có nghĩa việc quản lý này không có lợi ích trong thực tế vì sản phẩm không lưu hành ở Việt Nam. Ngoài ra, công ty gia công chỉ gắn mã vạch do khách hàng yêu cầu.
Cục Hải quan TP.HCM tháo gỡ nhiều vướng mắc cho DN Hàn Quốc.
“Vì vậy, mã vạch được dán trên sản phẩm xuất khẩu cần được phân biệt với mã vạch dán trên những sản phẩm lưu thông tại Việt Nam để quản lý. Không nên quản lý mã vạch nước ngoài dán trên những sản phẩm xuất khẩu đi vì việc đăng ký và quản lý các mã vạch này mang lại nhiều gánh nặng thủ tục hành chính cho các DN gia công”, vị đại diện DN này nêu vướng mắc.
Trả lời thắc mắc này, lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM cho biết căn cứ quy định tại Điều 15, Quyết định 15/2006 của Bộ Khoa học và Công nghệ, các tổ chức, DN hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam muốn sử dụng mã vạch nước ngoài (bao gồm mã UCC của Mỹ và Canada) để in trên sản phẩm của mình nhằm mục đích xuất khẩu phải được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc được tổ chức nước ngoài chủ sở hữu ủy quyền sử dụng mã số nước ngoài thông qua thư ủy quyền, hợp đồng sử dụng hoặc các hình thức ủy quyền khác.
“Sau khi được cấp hoặc được ủy quyền sử dụng mã số nước ngoài, tổ chức sử dụng phải thông báo việc sử dụng mã số nước ngoài với Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng bằng văn bản, gửi kèm theo bản sao giấy phép sử dụng, thư ủy quyền, hợp đồng sử dụng hoặc bằng chứng ủy quyền khác”, đại diện Cục Hải quan TP.HCM nói.
DN Hàn Quốc nêu vướng mắc về thủ tục hải quan.
Một doanh nghiệp Hàn Quốc phản ánh nhập khẩu thép phải chờ làm kiểm tra chuyên ngành tới tám tháng hay vướng mắc về trị giá hải quan, ông Đinh Ngọc Thắng đề nghị các doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin cho Cục Hải quan, ngay sau hội nghị đối thoại các bộ phận liên quan sẽ trực tiếp gặp gỡ doanh nghiệp để giải quyết dứt điểm.
Lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM cũng cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp, phấn đấu rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hải quan từ 108 giờ xuống còn 70 giờ đối với hàng xuất khẩu và từ 138 giờ xuống còn 90 giờ đối với hàng nhập khẩu.
Song song đó, Cục Hải quan cũng rà soát danh mục kiểm tra chuyên ngành để tham mưu Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan giảm tỉ lệ kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu phục vụ sản xuất và kinh doanh.
Ngoài ra, tại buổi đối thoại, các DN Hàn Quốc tập trung kiến nghị các vấn đề liên quan đến Nghị định 59/2018 và Thông tư 39/2018 của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế…
Cục Hải quan TP.HCM cam kết hỗ trợ cho DN làm thủ tục hải quan nhanh chóng, thuận lợi.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, hướng dẫn trong quá trình làm thủ tục hải quan, nếu DN gặp vướng mắc hoặc cần tư vấn về thủ tục thì có thể gửi câu hỏi cho cơ quan hải quan bằng văn bản, hoặc đăng ký gặp trực tiếp lãnh đạo cơ quan hải quan để được tư vấn, giải đáp cặn kẽ. Ngoài ra, trong và sau cuộc gặp gỡ định kỳ, các bộ phận liên quan của Cục Hải quan TP.HCM sẽ gặp trực tiếp DN để “gỡ rối”.
Ông Đinh Ngọc Thắng cũng cam kết nhanh chóng triển khai hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động tại cảng Cát Lái vào giữa tháng 7 này, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các DN trong nước cũng như quốc tế.
Ông Yoon Yoo Young, Giám đốc Kotra tại TP.HCM, cho biết hiện nay, có khoảng 5.600 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đóng góp 35% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. Riêng khu vực phía Nam có gần 2.900 doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan tại TP.HCM. Do đó, việc ghi nhận và giải đáp kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp từ Cục Hải quan TP.HCM có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Hàn Quốc. |