Diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam giữa kỳ 2018 được tổ chức ngày 4-7 tại Hà Nội ghi nhận không ít quan ngại của các nhà đầu tư.
Đùng một cái thay đổi
Ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết: Công ty Vina Pioneer ở tỉnh Hưng Yên vẫn còn thời hạn ưu đãi được đảm bảo trong Luật Đầu tư nhưng đột nhiên nhận được thông báo về việc chấm dứt ưu đãi một cách đơn phương.
Từ ví dụ trên, ông Kim Heung Soo nhấn mạnh: “Những trường hợp này không phải là vấn đề của riêng một công ty nào. Các DN Hàn Quốc đều xem đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Những quyết định hành chính không thể dự đoán trước như trên đây là vấn đề rất quan trọng, làm thu hẹp hoạt động của các DN nước ngoài ở Việt Nam và ảnh hưởng đến ý định hợp tác với DN địa phương”.
Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (AmCham) Michael Kelly cũng quan ngại về những sự thay đổi chính sách trong thời gian gần đây không phù hợp với thông lệ quốc tế. Những thay đổi này khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài phải chịu thêm rất nhiều rủi ro và cản trở trong quá trình triển khai đầu tư tại Việt Nam.
Một ví dụ mà ông Michael Kelly cho rằng thể hiện sự cản trở xuất khẩu ô tô từ Mỹ sang Việt Nam là Nghị định số 116/2017 đã tạo ra những rào cản kỹ thuật không mong muốn đối với các công ty của Mỹ. “Chúng tôi đề nghị Chính phủ tạm hoãn thi hành nghị định này trong thời hạn 18 tháng. Trong thời gian đó, các công ty của chúng tôi rất mong muốn được trao đổi với Chính phủ nhằm tìm ra giải pháp sửa đổi Nghị định số 116” - vị đại diện AmCham đề xuất.
Các đại biểu trao đổi bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018. Ảnh: TTXVN
Đe dọa người kinh doanh
Ông Richard Leech, Ủy viên Hiệp hội DN Anh quốc tại Việt Nam, cho hay nhận được một số báo cáo từ các công ty thành viên về một số vấn đề liên quan đến cán bộ thanh tra và kiểm toán của cục thuế và hải quan. Cụ thể, các cán bộ này gần đây có biểu hiện gây cản trở và làm khó dễ DN thành viên, thậm chí sử dụng hình thức đe dọa trong một số trường hợp.
“Để xử lý vấn đề này, đề xuất của chúng tôi là Chính phủ thành lập một ban, ngành độc lập có trách nhiệm xem xét và xử lý các đơn kháng cáo từ các đơn vị nộp thuế trong trường hợp xảy ra bất đồng quan điểm giữa các cán bộ thuế, hải quan với các đơn vị đóng thuế. Đồng thời ban, ngành này cần được cấp phép thẩm quyền cao hơn cục thuế và hải quan” - đại diện Hiệp hội DN Anh quốc kiến nghị.
2 tháng, hậu kiểm 10 lần Đại diện một hiệp hội cho hay có công ty đã phải chịu hậu kiểm 10 lần trong hai tháng mặc dù có rất ít lý do để cơ quan hải quan đưa công ty này vào diện công ty nhập khẩu rủi ro cao. |
Đáng chú ý tham luận của nhóm công tác thuế-hải quan cũng thẳng thắn chỉ ra: Các cơ quan thuế địa phương thường ấn định chỉ tiêu nộp ngân sách cho từng DN trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Kể cả khi cán bộ thuế biết rõ chưa đến kỳ nộp thuế nhưng họ sẽ vẫn cố tình tìm kiếm dấu hiệu vi phạm mà thực chất có thể nói là sách nhiễu DN cho đến khi nộp đủ chỉ tiêu.
Vì thế ngoài việc có mức tổng thuế suất trên lợi nhuận chính thức cao nhất châu Á, DN ở Việt Nam thường còn phải nộp thêm tiền thuế khi quyết toán thuế. Việc quyết toán thuế cũng làm hao tốn nhiều thời gian quý báu của DN và tạo kẽ hở để cán bộ thuế thao túng thu lợi cho bản thân. Trong phần lớn trường hợp, tất cả chi phí này sẽ dồn lên vai những DN làm ăn đứng đắn, chấp hành luật pháp.
Nhóm công tác thuế-hải quan dẫn báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới cho thấy: Thời gian cần để thực hiện các quy định về kê khai nộp thuế ở Việt Nam là 498 giờ. Con số này cao gần gấp ba lần Campuchia, 2,5 lần mức bình quân của châu Á và những nước như Trung Quốc, Malaysia, gấp 7,75 lần Singapore và 6,8 lần Hong Kong. Đó là chưa tính thời gian cần để thanh tra, kiểm tra về thuế.
“Nếu tính một ngày làm việc có tám tiếng thì con số này bằng với 62 ngày làm việc của một người. Nếu giảm được một nửa thời gian này, tức là còn 31 ngày thì DN sẽ có thêm thời gian để làm kế hoạch, đổi mới hay tiêu thụ sản phẩm” - nhóm công tác thuế-hải quan tính toán.
Ngừng kinh doanh xe nhập khẩu Ông Toru Kinoshita, trưởng nhóm công tác công nghiệp ô tô và xe máy, nhận xét: Nghị định số 116/207 gần như đã ngừng toàn bộ việc kinh doanh xe nhập khẩu nguyên chiếc của các nước phát triển như Nhật Bản, châu Âu… trong sáu tháng vừa qua. “Chính phủ cũng cần loại bỏ các quy định bất hợp lý trong Nghị định số 116 để tránh làm thị trường ô tô trở nên bất ổn kéo dài” - ông Toru Kinoshita kiến nghị. Chỉ mới có vài bộ làm Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhận xét: Mặc dù Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhưng trên thực tế không phải tất cả bộ, ngành, các địa phương đều có hành động cụ thể và thực chất. Để minh chứng cho nhận định trên, chủ tịch VCCI nêu ví dụ: Chính phủ yêu cầu tất cả bộ, ngành phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh. Nhưng cho đến thời điểm này, mới chỉ có Bộ Công Thương đã soạn thảo và trình Chính phủ nghị định theo yêu cầu. |