Nợ xấu ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế. Do vậy, rất cần sự chung tay của cả xã hội để khơi thông những ách tắc trong nền kinh tế.
Đó là một trong những nội dung được nhiều chuyên gia thảo luận tại hội thảo với chủ đề “Xử lý nợ xấu - Những nút thắt cần tháo gỡ” diễn ra vào chiều nay (26-10), do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tổ chức.
Theo con số thống kê về nợ xấu đưa ra tại hội thảo, tính đến thời điểm 31-8-2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 548,5.000 tỉ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các TCTD tự xử lý (chiếm 57,2%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 42,8%.
Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, từ năm 2013 đến nay VAMC đã mua được 25.062 khoản nợ tại 42 TCTD với tổng dư nợ gốc 262.054 tỉ đồng, giá mua nợ là 227.848 tỉ đồng.
Qua thực tiễn hoạt động, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD nói chung và VAMC nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Công tác thu hồi nợ đạt kết quả hạn chế so với khối lượng nợ xấu tồn tại.
Những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xử lý nợ xấu do nhiều nguyên nhân, trong đó nổi cộm bốn vấn đề chính:
Các quy định pháp luật còn thiếu, chưa phù hợp để thúc đẩy hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu. Hoạt động xử lý tài sản bảo đảm có nhiều vướng mắc nếu không có sự hợp tác của khách hàng vay, bên bảo đảm. Bên nhận bảo đảm chỉ có thể thực hiện khởi kiện tại tòa án để thu hồi nợ. Trong khi đó, thời gian giải quyết vụ việc tại tòa án thường bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ của TCTD, VAMC.
VAMC thiếu những quy định đặc thù để có thể xử lý nhanh nợ xấu. Các quy định pháp luật hiện tại chưa tạo sự thông thoáng cho hoạt động của VAMC, thậm chí còn hạn chế quyền của VAMC khi thực hiện xử lý nợ thông qua các biện pháp như bán nợ, bán tài sản bảo đảm. VAMC không thực hiện được quyền chủ nợ đối với nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt.
Thị trường thiếu những cơ chế điều tiết linh hoạt và hiệu quả trong hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu dẫn đến hệ quả không thu hút được các tổ chức, nhà đầu tư có tiềm lực tham gia vào hoạt động xử lý nợ tại Việt Nam. Việc bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài gặp một số vướng mắc vì theo quy định pháp luật hiện hành, việc nhận thế chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất... đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế.
Việc xử lý nợ chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ cán bộ, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện công việc. Hệ lụy dẫn đến những hạn chế không khuyến khích TCTD, VAMC tích cực triển khai công tác xử lý nợ.