NÔNG SẢN ĐƯỢC BẢO HỘ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ - BÀI 1

Chưa thể làm giàu từ muối quý Bạc Liêu

Trong giai đoạn 2001-2006, trong ngành nông nghiệp, chỉ có năm chỉ dẫn địa lý (CDĐL) được bảo hộ. Từ năm 2007 đến nay có thêm 33 CDĐL khác. Tuy nhiên, hầu hết nông sản đã có “danh” này vẫn chưa tạo sự đột phá nào về “giá”.

Nhật, Hàn Quốc mê muối Bạc Liêu

Đa số đặc sản được bảo hộ CDĐL là gạo, bưởi, xoài. Một số đặc sản lạ như mật ong bạc hà Mèo Vạc, hoa mai vàng Yên Tử. Cuối năm 2013 thêm muối Bạc Liêu được bảo hộ CDĐL. Từ lâu nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật, Hàn Quốc nhăm nhe mua loại đặc sản này.

Ông Lê Quốc Hội, Trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu, kể rằng ngày xưa có hai cha con người Nhật đến vùng này chỉ cho người dân biết hạt muối vùng này có điểm đặc biệt. Từ lâu đời đến mùa cá linh, những người ướp cá cứ tìm mua muối Bạc Liêu, họ nói con cá linh gặp muối Bạc Liêu thì đỏ au, còn ướp bằng loại muối khác thì con cá sạm màu.

Từ những câu chuyện này mà gần chục năm trước, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu mới nghiên cứu hạt muối. Sở này đã đi suốt 15 tỉnh duyên hải, từ Bạc Liêu ra đến Nam Định để lấy mẫu so sánh muối các vùng. Kết quả phân tích, kiểm nghiệm cho thấy quả thật trong hạt muối này hàm lượng magiê và canxi rất thấp, nhờ vậy hạt muối không đắng, chát.

 
Muối Bạc Liêu là một trong những sản phẩm mới được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ảnh: TĐ

Sau nhiều nghiên cứu, sở này tìm ra mối liên hệ giữa thổ nhưỡng, khí hậu và đặc trưng hạt muối. Trong đó có yếu tố vùng biển nơi làm ra muối là vùng không nhiều đá vôi. “Nếu vấn đề chỉ là đá vôi không thì chưa đủ, vì vùng Ninh Thuận chẳng hạn cũng không có đá vôi, mà muối đấy cũng không như muối Bạc Liêu. Có những tỉnh mà hạt muối đem đi muối cá, hạt muối không tan kịp thì cá ươn luôn rồi, có những nơi hạt muối lẫn rất nhiều cát” - ông Hội nói.

Hạt muối Bạc Liêu rất ngon, rất đặc biệt nhưng giá trị kinh tế đến đâu? Ông Hội cho biết nhiều người Nhật đã đến vùng này hỏi mua muối. Có điều chúng ta không đủ sản lượng. Sản lượng của ta ít, nhu cầu của họ đến hàng trăm tấn nhưng đôi lúc họ chỉ mua được vài ba chục tấn.

Một dúm muối 5 yen Nhật

Vùng đất có thể làm muối đạt chất lượng rất nhỏ, không thể mở rộng diện tích. Có cơ hội xuất khẩu mà không đủ lượng để xuất, vậy làm sao phát triển kinh tế cho bà con làm muối?

Ông Hội kể có lần Hiệp hội Muối Guerande (Pháp) từng đến Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về phát triển CDĐL. Ông nông dân Pháp đó làm cả hội trường ngạc nhiên khi cho biết họ đã đeo đuổi việc đăng ký bảo hộ CDĐL suốt từ những năm 1970, mãi đến năm 2012 mới được công nhận. Loại muối này nổi danh từ cổ xưa, họ cũng không đủ sản lượng để đáp ứng nhu cầu. Họ giàu có nhờ hạt muối Guerande, đơn giản vì muối đặc sản thì bán giá cao!

Liệu muối Bạc Liêu có thể bán giá cao hay không? Kể về giá trị của hạt muối Bạc Liêu, ông Hội cho biết có người đi Nhật thăm công ty từng mua muối Bạc Liêu. Công ty này đóng muối Bạc Liêu trong những tuýp nhỏ xíu như ngón tay. Lượng muối trong đó chắc chỉ đủ rắc cho một cái bánh mì. 5 yen/tuýp (khoảng hơn 1.000 đồng tiền Việt Nam).

Để tăng giá trị kinh tế cho muối Bạc Liêu, ông Hội cho rằng có thể tính đến việc đặt một nhà máy muối. Ta có thể đóng muối vào lọ rồi mới bán, thay vì bán muối thô. Nhiều DN ở Bạc Liêu cũng muốn chế biến khác đi chứ xuất thô muối thì không có lợi.

Nhiều sản phẩm danh tiếng phải “ở ẩn”

Trong khi muối Bạc Liêu ngon, có danh tiếng, được khách tìm đến mua mà không có để bán thì trường hợp thanh long Bình Thuận lại khác, nhiều khách mua hàng yêu cầu đóng thanh long mang nhãn hiệu của họ!

Một cán bộ Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết có đến 70%-80% thanh long Bình Thuận xuất cho thị trường Trung Quốc. Một ít tiêu thụ trong nước, còn lại là xuất sang Mỹ, châu Âu... Thị trường Mỹ, châu Âu còn chuộng CDĐL chứ thị trường Trung Quốc thì họ chẳng mấy quan tâm! “Từ hồi có CDĐL, xuất khẩu cũng từ từ tăng nhưng chủ yếu là nhờ tìm được đầu ra, sản phẩm có chất lượng chứ nói nhờ danh tiếng của CDĐL thì chưa hẳn. Bên mua bảo ta đóng trong thùng của họ, tem nhãn của họ, ta muốn bán thì ta phải đóng hàng theo ý họ chứ có phải muốn dán CDĐL là dán được đâu” - vị này nói.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM, cho biết vào một số thị trường thì bao bì, tem nhãn ghi CDĐL bị xé phăng đi hết, lồng nhãn hiệu của siêu thị phân phối vào, chỉ để rất nhỏ “xuất xứ Việt Nam” trên bao, người tiêu dùng có lẽ chẳng biết quả thanh long của ai.

QUỲNH NHƯ

 

Nhiều sản vật quý hiếm giá cao bị săn lùng

Trong khi nhiều sản vật có sản lượng lớn nhưng không được giá thì một số ít khác được giá nhưng lại không đủ cung ứng. Bưởi Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) được bảo hộ CDĐL từ năm 2006. Ngay cả vùng Hà Nội cũng ít được ăn, hầu như không vào đến thị trường phía Nam vì sản lượng không đủ cung ứng. Sản lượng ít nhưng quả ngon nên bán rất được giá. Đây là một trong số ít sản vật mang CDĐL mà có giá.

Một sản vật có giá được săn lùng là mật ong bạc hà Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang). Tuy nhiên, người tiêu dùng e ngại nhất là mua phải mật ong giả, pha trộn. Do đó tỉnh này đang có dự án quản lý và phát triển CDĐL cho sản phẩm này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm