Ngày 26-5, nhiều PV đang tác nghiệp nghị trường nhận được lời mời đến gặp Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Có lẽ đây là một trong số ít lần mà Bộ trưởng dành được thời gian để trao đổi với báo chí về những vấn đề vĩ mô như vì sao Chính phủ kiên trì thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7%.
Thua kém trên một số phương diện
Không mất nhiều lời rào trước đón sau, Bộ trưởng Dũng nói các PV cứ cởi mở, trao đổi về tất cả những gì mà báo giới quan tâm.
Bắt đầu từ câu hỏi về việc vì sao quý I-2017 tăng trưởng chỉ đạt 5,1% mà Chính phủ vẫn kiên quyết duy trì mục tiêu tăng trưởng 6,7%, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sau khi nói sơ qua về kế hoạch năm năm giai đoạn 2016-2020 thì khẳng định rằng: “So với các nước trong khu vực và quốc tế nếu không phát triển nhanh hơn thì Việt Nam sẽ tụt hậu. Trên một số phương diện đã thua kém các nước trong khu vực rồi, buộc ta phải tăng tốc nhanh hơn”.
Lý lẽ mà Bộ trưởng đưa ra chính là muốn phát triển nhanh thì cũng cần ổn định. Mà ổn định mục tiêu tăng trưởng chính là một trong những yếu tố cần thiết.
“Đối với Việt Nam, việc tăng trưởng có nhiều ý nghĩa như tạo việc làm cho xã hội, có nguồn lực chi tiêu ngân sách, an sinh xã hội, góp phần ổn định xã hội, góp phần ổn định chính trị” - Bộ trưởng nói.
Còn nhớ sau khi Tổng cục Thống kê công bố kết quả phát triển kinh tế-xã hội quý I-2017, con số 5,1% đã làm cho Chính phủ, các bộ, ngành và ngay cả những chuyên gia vốn không nghĩ rằng các chỉ số ấy đã phản ánh đúng thực tế cũng lo lắng, băn khoăn.
Nhiều ý kiến đã nói về việc khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sau khi dẫn nghị quyết của Đảng đã giải thích: “Bối cảnh tình hình quốc tế gần đây có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực. Tình hình trong nước không khó như năm ngoái. Không có xâm ngập mặn, lũ lụt, dịch bệnh, nông nghiệp phục hồi tốt...”.
Những cơ sở ấy cùng với dòng đầu tư nước ngoài đang tăng, ngân sách các địa phương cũng tăng và xuất khẩu, công nghiệp đang có những dấu hiệu tăng trưởng khiến Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói rằng cơ sở để đạt tăng trưởng 6,7% là có thật.
“Quan điểm của Chính phủ không phải là tăng trưởng bằng mọi giá, nhất là không đánh đổi môi trường. Phải bảo đảm môi trường an sinh xã hội và không bỏ lỡ, lãng phí những cơ hội phát triển”.
Cần giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Vẫn liên quan đến mục tiêu tăng trưởng 6,7%, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói rằng cái quan trọng nhất vẫn là giải pháp và sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành và người dân.
Tái cơ cấu hay tận dụng những hiệp định thương mại tự do là những biện pháp vĩ mô, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bảo rằng cái chính là Việt Nam phải nâng cao năng lực, năng suất lao động để hội nhập sâu rộng hơn, tận dụng chiếm lĩnh những thị trường mới.
“Nhưng thị trường trong nước cũng phải phát triển mạnh mẽ. Hơn 90 triệu dân, sức mua và tầng lớp trung lưu đang gia tăng, điều này cần phải quan tâm và coi như lợi thế phát triển” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Nhắc lại lời giải cho bài toán phát triển mà Thủ tướng tại cuộc gặp doanh nghiệp hôm 17-5 đã đưa ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: “Phải giảm chi phí cho doanh nghiệp”...
Bởi lẽ hiện nay năng suất lao động thấp, các loại chi phí như đầu vào, vận tải, logictics… khiến giá thành sản phẩm của Việt Nam cao trong khi hàng hóa Trung Quốc thì lại rất rẻ. “Đây là rào cản khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh” -Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận.
Không trông cả vào dầu thô
Đúng như một cuộc trao đổi cởi mở, báo chí đặt câu hỏi về ý định tiếp tục hút dầu thô để đảm bảo tăng trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích: “Chúng ta biết cứ 1 triệu tấn dầu thô được khai thác thì sẽ đóng góp 0,25% điểm % vào tăng trưởng. Năm 2016, chúng ta khai thác 16,02 triệu tấn”.
Dĩ nhiên, Bộ trưởng cũng giải thích rằng khai thác dầu thô là một khả năng nếu giá dầu phục hồi. Nếu vậy đó sẽ là cơ hội và phải mạnh dạn khai thác thêm để phục vụ tăng trưởng bởi năm nay đã khai thác hụt 3 triệu tấn. Tuy nhiên phải tùy vào diễn biến của thị trường.
“Có số liệu nói rằng dầu thô không đạt so với kế hoạch nhưng đó là do ta chủ động giảm khai thác khi giá dầu giảm” - Bộ trưởng khẳng định và nói rằng: “Khi chưa thúc đẩy được các kịch bản mong muốn, dầu mỏ vẫn là phương thức đóng góp cho tăng trưởng. Nhưng không phải bằng mọi giá phải khai thác và tăng trưởng chỉ trông vào đó”.
Nhưng có lẽ việc Thủ tướng sắp thăm Mỹ là một điểm nhấn trong cuộc gặp gỡ này. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á mà Tổng thống Donald Trump gửi thư mời tới thăm.
“Đây là cơ hội tốt để thiết lập quan hệ thương mại và đầu tư với Mỹ. Sẽ có khoảng 80-90 doanh nghiệp lớn và hùng hậu tháp tùng Thủ tướng” - Bộ trưởng thông tin.
Bộ trưởng cũng không quên nhận xét rằng: Tổng thống Donald Trump có xu hướng kéo đầu tư và việc làm về nước Mỹ. “Bởi thế chính nhà đầu tư Mỹ cũng thận trọng khi đầu tư ra nước ngoài. Chúng ta phải thuyết phục và thu hút được đầu tư từ Mỹ để có lợi cho tăng trưởng theo nguyên tắc win-win” - Bộ trưởng khẳng định.
Dầu mỏ vẫn là phương thức đóng góp cho tăng trưởng. Nhưng không phải bằng mọi giá phải khai thác và tăng trưởng chỉ trông vào nó.
Phải học mô hình Dubai Nói về việc thành lập các đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Đây là chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc xây dựng không gian, thể chế vượt trội so với quy định pháp luật để thu hút được đầu tư trong nước và nước ngoài”. Trước hết, Bộ KH&ĐT đang phải xây dựng Luật Đặc khu kinh tế theo nhiệm vụ được giao. Đồng thời phải tiếp cận, nghiên cứu tìm hiểu các mô hình. “Ví dụ như mô hình các đặc khu kinh tế của Trung Quốc. Ta phải nghiên cứu mô hình mới với chính sách, cơ chế, thể chế thuận lợi để tạo ra sự hấp dẫn và cạnh tranh quốc tế. Phải nghiên cứu nhiều mô hình như Dubai và các đặc khu khác trên thế giới” - Bộ trưởng Dũng nói và cho hay dự luật về đặc khu kinh tế sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4 diễn ra vào cuối năm 2017. |