(PLO)- ADB cũng hy vọng và tin tưởng Việt Nam không trở thành bãi rác công nghệ cũ của Trung Quốc.
Kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng ở mức 5,1% trong quý I-2017, thấp nhất trong ba năm trở lại đây. Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo công bố báo cáo kinh tế quý I-2017 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức chiều 10-4.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho biết kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng ở mức 5,1% trong quý I, thấp nhất trong ba năm trở lại đây. Suy giảm tăng trưởng quý I đến từ hầu hết các nhóm ngành công nghiệp, trong đó chế biến chế tạo chỉ tăng 8,3%, thấp hơn mức 9,7% và 8,94% trong hai năm 2015-2016.
Với mức tăng trưởng thấp trong quý I, TS Nguyễn Đức Thành nhận định mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm 2017 sẽ khó đạt. “Trước mắt, chúng tôi dự báo kinh tế quý II tăng trưởng ở mức 5,7% và cả năm đạt khoảng 6,1%” - Ông nói.
Cùng ngày, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2017. Theo ADB, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm 2017 và 6,7% trong năm 2018 nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại bán buôn và bán lẻ, ngân hàng và du lịch.
Để cải thiện tăng trưởng, ADB cho rằng Việt Nam cần tập trung cải cách ngành nông nghiệp. Đặc biệt là về cạnh tranh, cơ sở hạ tầng nông thôn, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Nhà máy giấy Lee&Man của doanh nghiệp Trung Quốc ở Hậu Giang bị người dân phản ánh gây ô nhiễm. Ảnh nhỏ: Người dân đang quét bụi do ô nhiễm từ nhà máy này. Ảnh: GIA TUỆ
ADB cũng hy vọng và tin tưởng Việt Nam không trở thành bãi rác công nghệ cũ của Trung Quốc. ADB nhận định Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành nền kinh tế tiên tiến, tận dụng tối đa công nghệ cao, công nghệ mới trong chiến lược dài hơi. Việt Nam phải chú ý sát sao những diễn biến đang diễn ra tại nước láng giềng lớn của mình và xa hơn thế nữa.
Đặc biệt, phải chú ý đến công nghệ, nếu cho phép nhập khẩu công nghệ, chỉ cho phép nhập khẩu công nghệ phải đúng, phù hợp với mình. Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, Việt Nam cần nhìn rộng ra trên toàn thế giới để xem thế giới có những công nghệ gì.
“Có thể công nghệ lúc nhập vào đắt hơn nhưng sử dụng được lâu dài, lợi ích cao hơn nhiều so với nhập khẩu công nghệ rẻ hiện tại” - ADB gợi ý.