Đây là nhấn mạnh của của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ra tại cuộc họp Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia ngày 9-1.
Theo bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành vẫn chiếm tỉ trọng quá lớn trong số lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu; hiệu lực, hiệu quả kiểm tra chuyên ngành còn thấp.
Theo đại diện Tổng cục Hải quan, việc duy trì kiểm tra chuyên ngành gây khó khăn cho doanh nghiệp và kéo dài thời gian thông quan, diễn ra phổ biến ở các Bộ: Công Thương, Y tế, NN&PTNT.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết bộ này đã rất nỗ lực trong công cải cách thủ tục về cơ chế một cửa. Theo ông Khánh, kiểm tra chuyên ngành không phải là lý do kéo dài thời gian thông quan, rất hiếm áp dụng cho xuất khẩu nên thông tin Tổng cục Hải quan đưa ra chưa xác đáng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp ngày 9-1.
Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan tái khẳng định nhận định của mình và cho biết trong năm 2017, Tổng cục Hải quan đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ việc này và Chính phủ đã yêu cầu các bộ, trong đó có Bộ Công Thương báo cáo nhưng đến nay vẫn không thấy có thông tin.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ước tính một cửa quốc gia chỉ tạo thuận lợi được 7%-8% số DN khảo sát, còn “hành” tới 25% số doanh nghiệp. Mức độ văn bản quá nhiều, phức tạp chiếm tới 80%-90%.
“Lĩnh vực nông nghiệp, y tế có rất nhiều thủ tục, liên quan tới kiểm dịch động thực vật, an toàn vệ sinh thực vật, như vậy thì làm sao Thủ tướng và Chính phủ yên lòng được" - Phó Thủ tướng nói.
Ngay tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu lãnh đạo Bộ NN&PTNT báo cáo về sự chậm trễ nhưng cán bộ bộ này cho biết Thứ trưởng Hà Công Tuấn có việc bận nên không có mặt. Phó Thủ tướng nhắc nhở: “Đây là việc quan trọng liên quan đến Bộ NN&PTNT mà lãnh đạo không đi họp thì tiếp thu gì? Việc gì bận hơn việc này?”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, số lượng lô hàng kiểm tra chuyên ngành, đến nay vẫn kiểm tra khoảng 30%-35%, trong khi mục tiêu kéo xuống còn 15%. Trong 12 Bộ thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa thì thủ tục ở Bộ Công Thương, NN&PTNT và Y tế là nhiều nhất, chậm nhất và các doanh nghiệp cũng “kêu ca” ở ba bộ này nhiều nhất.
Phó Thủ tướng yêu cầu, năm 2018 phải chấm dứt việc có kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định để kiểm tra, chấm dứt việc một mặt hàng phải chịu sự quản lý và kiểm tra của nhiều bộ ngành khác nhau.
12 bộ phải có sự rà soát cụ thể và loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành trong bộ mình, ngành mình quản lý và báo cáo chậm nhất là trong quý II-2018.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Không phải chỉ là tháo gỡ khó khăn mà còn phải tạo thuận lợi thương mại, tạo môi trường cạnh tranh, minh bạch để nhiều tổ chức được tham gia hoạt động.