“Kiến tạo là hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ sở pháp lý, tạo hành lang thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tuân thủ, chấp hành và đương nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. Trong đó, môi trường đầu tư kinh doanh được Thủ tướng đặc biệt quan tâm.
Chính phủ liêm chính là nói không với tiêu cực, yêu cầu cán bộ công chức thực hiện đúng chức trách, nâng cao hiệu quả công việc và tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp”
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã nhận định như thế về nửa nhiệm kỳ thực hiện thông điệp mà Thủ tướng đưa ra là xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân.
Không kiểm tra kiểu “cỡi ngựa xem hoa”
. Thưa Bộ trưởng, một điểm mới đáng chú ý của Chính phủ nhiệm kỳ này là việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Hơn một năm trước, khi giao nhiệm vụ cho Tổ công tác, Thủ tướng đưa ra yêu cầu “phải bắn có địa chỉ”, không bắn chỉ thiên. Là Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng đánh giá hoạt động của Tổ thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng chưa?
+ Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Nét mới của Chính phủ nhiệm kỳ này là việc Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác Thủ tướng với nhiệm vụ giúp Thủ tướng đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ mà Thủ tướng, Chính phủ giao. Đây là nhiệm vụ mới, rất nặng nề, khăn khăn, chưa có tiền lệ và chưa có quy định.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Chúng tôi không kiểm tra kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” mà có mục tiêu rõ ràng cho từng thời kỳ. Ví dụ, khi thành lập Chính phủ mới thì việc đầu tiên, quan trọng nhất là phải rà soát lại toàn bộ thể chế. Giữa năm 2017, khi Thủ tướng chỉ đạo tăng trưởng GDP, Tổng công tác giúp Thủ tướng đi thực tế xuống các tập đoàn, địa phương.
Tháng 8-2017, khi Chính phủ ra nghị quyết về cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho doanh nghiệp, cắt bỏ rào cản trong kiểm tra chuyên ngành và các điều kiện kinh doanh, Tổ công tác đã đi thực tế xuống cơ quan Hải quan tại Hải Phòng, TP.HCM và các bộ, ngành có thủ tục kiểm tra chuyên ngành...
Hoạt động của Tổ công tác rất công khai, minh bạch, có cơ quan báo chí và cộng đồng DN đi cùng nên nếu Tổ công tác nói sai, kiểm tra sai thì không được. Còn đã kiểm tra đúng rồi thì yêu cầu các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc.
. Hoạt động của Tổ công tác thời gian đầu chịu rất nhiều sức ép. Thậm chí có câu chuyện các bộ ý kiến “Anh cũng là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, sao anh kiểm tra tôi?”. Còn hiện nay thì sao, thưa ông?
+ Tổ công tác kiểm tra đầu tiên tại Bộ KH&ĐT, sau đó là Bộ Tài chính. Khi đó đúng là có câu chuyện “Anh cũng là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, tại sao anh kiểm tra, phê bình tôi?”. Đây là việc chúng tôi đã lường trước rồi. Chúng tôi nói rõ rằng, đây là nhiệm vụ Thủ tướng giao, chúng tôi cũng không có thẩm quyền phê bình bộ trưởng mà chúng tôi chỉ chuyển tải thông điệp, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tới bộ trưởng.
Tổ công tác không có thẩm quyền phê bình. Chúng tôi kiểm tra nhiệm vụ Thủ tướng, Chính phủ giao cho các bộ, ngành chứ không phải là cơ quan thanh tra, kiểm tra; qua đó giúp Thủ tướng đánh giá được chất lượng làm việc của các bộ, ngành. Và quan trọng nhất là đánh giá được vì sao những thể chế, cơ chế chính sách ban hành nhưng không đi vào cuộc sống. Tổ công tác tổng hợp để báo cáo Thủ tướng rồi có điều chỉnh, bổ sung cho tốt hơn trong tổ chức thực hiện.
Ban đầu là như vậy, nhưng sau một thời gian ngắn thì các bộ trưởng khác rất mong mỏi Tổ công tác về giúp cho Bộ. Quan điểm “Anh cũng là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, sao anh phê bình tôi” giờ đã là câu chuyện lãng quên rồi. Hiện giờ các bộ, các tỉnh cũng đều có Tổ công tác giúp cho Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh đôn đốc việc này. Sức lan toả và ảnh hưởng rất tốt.
Minh bạch, rõ ràng thì sao có chuyện lót tay
. Thủ tướng từng nói trước QH, Chính phủ kiến tạo phải thay ngay những cán bộ giao việc không chịu làm? Bộ trưởng cũng nói “văn bản chậm, cứ thay người là nhanh”. Hơn một năm qua, Bộ trưởng đã bao giờ phải kiến nghị thay người?
+ Đúng là thực tế hiện nay, chế tài xử lý những việc như vậy còn thiếu rất nhiều. Khi doanh nghiệp nhà nước tái cơ cấu, thực hiện thoái vốn chậm cũng do người đứng đầu. Hay địa phương, đơn vị xảy ra tình trạng mất đoàn kết hay chậm thực hiện các nhiệm vụ được giao cũng do người đứng đầu. Người đứng đầu ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng hơn, chẳng hạn ở cấp Bộ, người đứng đầu không chỉ là bộ trưởng mà gồm cả người đứng đầu các cục, vụ.
Ở VPCP thường xuyên có tổ công tác của Bộ trưởng thanh tra, kiểm tra công vụ. Vừa rồi, tôi cũng sắp xếp điều chuyển một số cán bộ. VPCP làm mẫu luôn, nếu cán bộ không có khả năng, không đáp ứng được yêu cầu công việc sẽ phải điều chuyển. Thủ tướng nói xây dựng Chính phủ kiến tạo mà VPCP không chuyển, không đáp ứng yêu cầu Thủ tướng thì không còn là văn phòng tham mưu cho Thủ tướng nữa mà thậm chí còn trở thành rào cản là không được.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn đầu tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex.
. Tại phiên chất vấn của Quốc hội vừa qua, Thủ tướng đưa ra thông điệp các DN tư nhân không đưa hối lộ cho các cấp, các ngành. Có ý kiến cho rằng không thể kêu gọi doanh nghiệp đừng hối lộ mà phải có thay đổi từ chính quyền, bởi các cấp, các ngành mới có quyền cho hay không cho, chấp thuận hay không chấp thuận. Quan điểm của Bộ trưởng thế nào? Theo Bộ trưởng, cần làm gì để lời kêu thông điệp của Thủ tướng trở thành hiện thực?
+ Đây là tác động từ hai phía, phía nhận và phía đưa hối lộ. Những DN như thế đều có chuyện lợi dụng và tranh thủ hết. Họ muốn làm những việc ngoài quy định của pháp luật hoặc muốn lợi dụng gì đó, họ mới đến. Còn bình thường, họ đến làm gì?
Mặt khác, trong quá trình làm việc, nếu cơ quan nhà nước luôn minh bạch, rõ ràng, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thì người ta không phải tính chuyện lót tay, phong bì. Còn anh gây khó khăn, cản trở, người ta sẽ nghĩ nếu không gặp thì nay mai cũng chết.
Vì vậy, Thủ tướng nói VPCP không cần biết DN nào mà chỉ cần biết rằng văn bản hồ sơ đến đây, nếu đúng thẩm quyền giải quyết thì phải xử lý ngay. Thủ tướng vẫn nhắc tôi như thế và chúng tôi cũng nhắc anh em VPCP như vậy.
Tôi cho rằng cơ bản nhất, chúng ta phải xây dựng một thể chế rõ ràng, minh bạch và có chế tài xử lý. Ngoài quy định của Đảng, quy định của Luật Công chức và sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, cũng cần phải xem xét, điều chỉnh những bất cập mà chúng ta đang gặp phải, về vấn đề chính sách nhà ở, tiền lương... Nếu không tạo được sự đồng bộ sẽ dẫn đến những tiêu cực ngoài mong muốn.
.Tết năm 2017, Thủ tướng đã có chỉ đạo nghiêm cấm các Bộ, ngành địa phương về HN chúc tết. Mới đây, Ban Bí thư cũng vừa ban hành chỉ thị yêu cầu các địa phương không chúc Tết cấp trên và Trung ương; nghiêm cấm tặng quà Tết cho lãnh đạo. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, quà tết hiện đã có nhiều biến tướng, chuyển từ công khai sang bí mật và không tặng vào dịp tết nữa mà tặng trước hoặc sau tết... Bộ trưởng đánh giá điều này như thế nào?
+ Đúng là nhiều người vẫn cho rằng mặc dù cấm như thế nhưng thực hiện chỗ này, chỗ khác chưa nghiêm. Đương nhiên trong xã hội không thể làm ngay một lúc được, quan trọng nhất là phải chuyển từ tư tưởng. Và trong vấn đề chính sách, như tôi đã đề cập ở trên, nếu như chúng ta đáp ứng được việc như vậy thì người ta cũng không cần nhận hối lộ, không cần tham nhũng và cũng không muốn tham nhũng.
. Xin cảm ơn ông.
Tăng trưởng bền vừng, không tạo ra bất ổn lâu dài Chủ đề 2018 vẫn tiếp tục đặt vấn đề kỷ cương, kỷ luật, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên chuyển dưới chưa chuyển”, vẫn còn tỷ lệ công chức không hoàn thành nhiệm vụ hay hạn chế về năng lực. Thứ hai, tranh thủ thời cơ, thách thức, phát triển nhanh, bền vững để tạo ra chuyển động toàn bộ. Nếu chúng ta quyết tâm ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, cộng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, tạo ra những động lực để phát huy những cái đạt được và khắc phục những tồn tại thì mục tiêu tăng trưởng GDP phải đạt được từ 6,5 đến 6,7%. Và tăng trưởng là tăng trưởng bền vững, tăng trưởng chất lượng chứ không phải là tăng trưởng để tạo ra những gì bất ổn lâu dài. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng |