Sẽ sửa quy định về lãi suất cơ bản

“Năm 2010 chắc chắn sẽ có thay đổi trong quy định về lãi suất cơ bản”. Đó là khẳng định của Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám sát tài chính quốc gia, tại hội thảo Ngân hàng vượt qua khủng hoảng, hướng tới tương lai do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TP.HCM hôm qua (15-1).

Áp dụng lãi suất cơ bản cho thị trường phi chính thức?

Mới đây, ngày 14-1, một cuộc họp của Quốc hội thống nhất sẽ họp thông qua bỏ quy định về lãi suất cơ bản trong Bộ luật Dân sự. Vì thực tế, quy định lãi suất huy động không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố là không phù hợp. Theo ông Nghĩa, quy định này không có khả năng thực thi trong thời gian dài vì các ngân hàng đều vi phạm, cả “bên đơn” và “bên bị” đều vi phạm nhưng không ai kiện ai.

Theo ông Nghĩa, quy định về lãi suất cơ bản sẽ được sửa theo một trong hai hướng: Một là chỉ áp dụng lãi suất cơ bản cho thị trường tín dụng phi chính thức (dân dụng). Hai là sửa theo hướng tín dụng hóa lãi suất như thời kỳ từ năm 2002 đến 2007 đã thực hiện.

Phải giải quyết dứt điểm tính thanh khoản

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong những năm tới, mục tiêu là phải chuyển từ nền kinh tế dựa vào tài nguyên sang nền kinh tế dựa vào năng suất và nền kinh tế dựa vào sáng tạo. Trong năm 2010, các ưu đãi thuế chấm dứt, các ngân hàng quốc tế tiếp tục tham gia vào thị trường Việt Nam. Cam kết WTO và AFTA khiến cho cạnh tranh ngày càng gay gắt và sòng phẳng hơn. Các chỉ tiêu kinh tế đưa ra cho nền kinh tế Việt Nam 2010 sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của ngân hàng: GDP tăng 6,5%, dự kiến đạt 1.931 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6%, bội chi ngân sách 6,2% GDP, lạm phát dưới 7%...

Sẽ sửa quy định về lãi suất cơ bản ảnh 1

Tìm nét riêng, đa dạng hóa mặt hàng là một trong những thách thức mà các ngân hàng phải đối mặt trong cạnh tranh. Trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng ACB. Ảnh: HTD

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng năm 2010 chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6,5% nhưng năm 2009 lại nhập siêu (tăng 20%). Do đó, muốn đạt được GDP 6,5% thì phải đạt con số tăng trưởng là 8% (cộng thêm 1,5% “hậu quả” nhập siêu từ 2009 chuyển qua), gấp hai lần so với năm 2009. Đây là con số quá khó đạt được. Do đó, khó khăn năm 2010 là vấn đề thanh khoản, phải giải quyết dứt điểm vấn đề tồn đọng thanh khoản của ngân hàng. Nếu không dứt điểm sẽ trở thành “vấn đề thanh khoản” của cả nền kinh tế thì sẽ rất nguy hiểm.

Theo Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM, có một số áp lực đối với ngân hàng thương mại trong bối cảnh năm 2010. Theo lộ trình cam kết WTO, năm 2010, ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoặc cổ đông chiến lược thuộc phía nước ngoài vào Việt Nam và kinh doanh sòng phẳng với các ngân hàng trong nước. Về mọi mặt không bị hạn chế số lượng ngân hàng, nghiệp vụ, về dịch vụ nhận tiền gửi, cho vay và thanh toán, kể cả không phân biệt điểm đặt máy ATM… Ngân hàng trong nước buộc phải sòng phẳng trong cuộc cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng ngân hàng vẫn luôn là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu mà các nhà đầu tư nước ngoài nhắm đến hiện nay, xuất phát từ việc họ đánh giá được tiềm năng của nền kinh tế đang phát triển. Đây là ngành mà nhà đầu tư kỳ vọng nhiều nhất vì nền kinh tế tăng trưởng thì ngành ngân hàng sẽ phát triển mạnh nhất. Do đó, sức cạnh tranh của ngân hàng trong nước cũng ngày càng lớn. Đây chính là thách thức lớn của ngân hàng trong những năm tới.

10 việc các ngân hàng phải làm trong năm 2010

1. Quản trị rủi ro, chủ động đạt mục tiêu lợi nhuận một cách vững chắc.

2. Đầu tư công nghệ thông tin.

3. Gia tăng tính hợp tác với các doanh nghiệp khác nhằm giải quyết áp lực giành thị phần.

4. Duy trì các khách hàng mục tiêu.

5. Xúc tiến các hoạt động marketing.

6. Gia tăng các hoạt động quản trị có tính chuyên nghiệp.

7. Tìm nét riêng cho hoạt động tín dụng, đa dạng hóa mặt hàng.

8. Phải lập được chính sách tín dụng với các nội dung rõ ràng: Quy mô tín dụng, chính sách lãi suất …

9. Xây dựng văn hóa kinh doanh, cốt lõi là đạo đức kinh doanh làm nền cho xây dựng thương hiệu.

10. Phân tích và tận dụng các lợi thế của mỗi ngân hàng về vốn, tiền gửi, mạng chi nhánh.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Đại học Ngân hàng TP.HCM

THANH HẢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm