Đấu thầu vàng không thành, giá vàng tiếp tục tăng sốc

(PLO)- Ngân hàng Nhà nước 4 lần tổ chức đấu thầu vàng miếng nhưng có tới 3 lần không thành công, trong khi đó giá vàng trong nước lập đỉnh mới. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng thị trường cần đến một giải pháp khác toàn diện hơn trong dài hạn, ngăn chặn chảy máu ngoại tệ và buôn lậu vàng.

Đấu thầu vàng thất bại, thị trường vàng cần gì để bình ổn?
Nơn 10 năm qua, thị trường hoàn toàn không được bổ sung nguồn cung mới, trong khi nhu cầu mỗi năm lại tăng, không ngạc nhiên giá vàng tăng bất hợp lý - Ảnh: GettyImages

Giá vàng trong nước lên đỉnh

Năm 2024, lần duy nhất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức thành công phiên đấu thầu vàng là vào ngày 23-4, tuy nhiên trong ngày này chỉ bán được 20% số lượng vàng, tương đương 3.400/16.800 lượng cho 2 đơn vị là ACB và SJC. 13.400 lượng vàng đã bị ế.

Ba phiên còn lại vào các ngày 22-4, 25-4 và 3-5 đều bị hủy do không đủ doanh nghiệp tham gia. Phiên đấu thầu gần nhất, ngày 3-5, NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC, giá tham chiếu để tính đặt cọc lên 82,9 triệu đồng/lượng.

Hoạt động đấu thầu vàng miếng là giải pháp được NHNN đưa ra với kỳ vọng tăng cung ra thị trường, từ đó giúp ổn định thị trường vàng, và giảm chênh lệch giá vàng miếng với thế giới.

Tuy nhiên, diễn biến thực tế thị trường lại không đạt các mục tiêu như vậy. Cụ thể vào ngày 23-4-2024, giá vàng SJC mua vào – bán ra ở mức 81 – 83,3 triệu đồng/lượng, chênh với giá vàng thế giới khoảng 13 triệu đồng/lượng.

Đến sáng ngày 7-5, giá vàng SJC giao dịch tại Công ty Vàng bạc Đá quý SJC ở mức 85,3 – 87,5 triệu đồng/lượng – ngưỡng cao chưa từng thấy của giá vàng SJC.

Giá vàng miếng SJC giao dịch tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác cũng trong xu hướng tăng nhưng biến động chậm hơn.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng miếng cùng thời điểm lên 84,8 - 86,95 triệu. Còn tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, mỗi lượng tăng với biên độ thấp hơn, neo quanh vùng 86 triệu đồng.

Ở ngưỡng hiện tại, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới đến hơn 15 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua vào bán ra duy trì ở ngưỡng cao, khoảng 2,2 triệu đồng/lượng, tiềm ẩn nhiều rủi cho nhà đầu tư.

Đấu thầu vàng chưa phát huy tác dụng?

Các chuyên gia tài chính cho rằng, phần lớn doanh nghiệp đang không mặn mà đấu thầu vàng miếng bởi mức giá tham chiếu của NHNN đưa ra cao; các doanh nghiệp phải đặt cọc và mua với khối lượng lớn, dẫn đến chi phí lớn và cũng tiềm ẩn rủi ro khi “ôm” vàng.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, NHNN đưa ra mỗi lô đấu thầu 1.400 lượng vàng, số tiền doanh nghiệp phải bỏ ra lên đến hơn 100 tỷ đồng, trên thị trường hiện nay ít doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh như vậy.

"Ngay cả với doanh nghiệp lớn, nếu ôm số lượng vàng lớn ở mức giá tham chiếu cao sẽ tiềm ẩn quá nhiều rủi ro thua lỗ trong bối cảnh giá vàng thế giới đang có nhiều biến động mạnh"- ông Hiếu đánh giá.

Từ phía doanh nghiệp, trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông mới đây, CEO ngân hàng TPBank Nguyễn Hưng cho biết, TPBank không tham gia đấu thầu vàng thời gian qua bởi biên lợi nhuận thấp.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn Hà Nội chia sẻ quan điểm này của ông Nguyễn Hưng. Ông này cho biết, trung bình một doanh nghiệp mỗi ngày bán ra khoảng 200 đến 300 lượng vàng. Trong khi quy định đấu thầu, mỗi doanh nghiệp phải mua tối thiểu đến 1.400 lượng vàng, số lượng quá nhiều so với nhu cầu.

"1.400 lượng vàng có thể tương đương từ 1 tuần đến nửa tháng bán ra của một doanh nghiệp kinh doanh vàng bình thường, trong bối cảnh giá vàng biến động thất thường như hiện nay, không khó để lý giải tại sao doanh nghiệp có những cân nhắc khi quyết định tham gia đấu thầu vàng hay không"- Vị này nêu thực tế.

Đại diện doanh nghiệp đề xuất NHNN điều chỉnh quy định, giảm khối lượng mua tối thiểu để việc đấu thầu vàng hấp dẫn hơn với doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, về lâu dài vẫn phải tính tới sửa đổi Nghị định 24 ban hành 12 năm trước về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng để thị trường vận hành một cách ổn định, bền vững nhất thì phải coi vàng là một loại hàng hóa, tài sản bình đẳng như các loại tài sản khác.

“Theo quy định của pháp luật, vàng miếng là một cấu thành trên thị trường ngoại hối của Nhà nước, cho nên việc chúng ta cho nhập vàng chỉ là hoán đổi dạng thức của thị trường ngoại hối mà thôi”, ông Phước nói.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhấn mạnh, việc đấu thầu vàng chỉ là giải pháp trước mắt, còn lâu dài phải sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng.

Ông Khánh đề xuất, NHNN chấp thuận cho phép lưu hành nhiều thương hiệu vàng miếng khác như PNJ, DOJI, thay vì chỉ có SJC, để tăng tính cạnh tranh về mặt giá cả và đa dạng hóa nguồn cung.

Chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung ra thị trường. Giá vàng tăng do giá thế giới thì không can thiệp được, lên thì sẽ xuống. Nếu chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn quá cao, dẫn đến chảy máu ngoại tệ, tiền vào túi những người buôn lậu.

Ông Hiển nêu quan điểm cần phải sửa gấp Nghị định 24 bởi từ khi ra đời, hơn 10 năm qua, thị trường hoàn toàn không được bổ sung nguồn cung mới, trong khi nhu cầu mỗi năm lại tăng.

"Cầu tăng trong khi cung không có, chính vậy không ngạc nhiên khi mà giá vàng tăng bất hợp lý. Nhà nước đứng ra nhập khẩu vàng và phân phối lại trực tiếp cho các doanh nghiệp theo hạn mức mong muốn của doanh nghiệp, mức giá được nhà nước tính phù hợp chứ không phải đấu thầu vàng với hạn mức nhất định"- Ông Hiển nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm