"Các doanh nghiệp làm phế liệu Việt Nam đang rất ăn nên làm ra khi nhập “rác” về Việt Nam nhưng chỉ có doanh nghiệp ăn nên làm ra thôi...". Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, phát biểu như trên tại lễ công bố Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2017 do Bộ Công Thương vừa tổ chức ở TP.HCM.
Từ nhận định trên, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho rằng Bộ Công Thương nên có những khuyến nghị cụ thể ví dụ như "DN không nên nhập khẩu mặt hàng này hoặc mặt hàng kia" vì liên quan đến môi trường, tài nguyên. Đồng thời cần công bố rõ hàng năm (chẳng hạn năm 2017) Việt Nam nhập bao nhiêu tấn rác về? Tương đương bao nhiêu tiền?...
"Ví dụ hiện tại Trung Quốc đang chặn lại 7,5 triệu tấn phế liệu hàng năm nhập khẩu cho ngành nhựa, ngành giấy. Do đó, những nước xuất khẩu phế liệu nhiều nhất sang Trung Quốc như Mỹ, châu Âu đang bế tắc, không biết đưa các tấn phế liệu đi đâu… Như vậy, rất có thể Việt Nam trở thành cửa ngõ cho những loại rác này. Tôi được biết các doanh nghiệp làm phế liệu Việt Nam đang rất ăn nên làm ra khi nhập “rác” về, nhưng chỉ có doanh nghiệp ăn nên làm ra thôi", phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM phát biểu.
Ông Anh nói tiếp: Theo tôi biết có hàng ngàn container phế liệu nhập về các cảng, trong đó có những phế liệu là xác động vật, kể cả vỏ đạn nữa. Cần xem xét lại vấn đề này.
"Khi Trung Quốc đã ngưng nhập thì tại sao chúng ta lại nhập. Trong báo cáo cũng cần cho biết những nước nào đang ngưng nhập, ngưng nhập những mặt hàng nào… mà Việt Nam vẫn nhập", ông Anh đề nghị Bộ Công Thương.
Trung Quốc buộc phải cấm nhập rác để dọn dẹp rác thải trong nước. Ảnh minh họa
Trước đó, Trung Quốc thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới việc nước này sẽ ngừng nhập khẩu các lô hàng phế liệu như rác thải nhựa và giấy. Đây là một phần trong chiến dịch chống rác thải nước ngoài của Trung Quốc.
Trung Quốc cho rằng mọi quốc gia đều có trách nhiệm giải quyết rác thải của nước mình. Với dân số đông, Trung Quốc buộc phải cấm nhập rác để dọn dẹp rác thải trong nước.
Tuy vậy, mới đây Mỹ yêu cầu Trung Quốc dừng triển khai lệnh cấm nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài sau khi Bắc Kinh đột ngột tuyên bố dừng cấp phép nhập khẩu rác. Mỹ cho rằng những lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc với hàng hóa tái chế đã gây ra tình trạng đứt gãy cơ bản trong các chuỗi cung cấp phế liệu toàn cầu, khiến chúng từ chỗ có thể tái sử dụng hiệu quả trở thành đồ bỏ đi.
Đại diện EU thì cho rằng chính sách cấm nhập khẩu rác của Trung Quốc có thể sẽ khiến lượng rác này tìm đường tới các nước thứ ba vốn nhiều khả năng không đáp ứng được hạ tầng để tái chế rác an toàn, tiềm ẩn các tác hại môi trường nghiêm trọng.
Theo công ty cổ phần nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (VIRAC) ngành nhựa Việt Nam có 4.000 DN, hơn 80% DN nội là những DN có quy mô vừa và nhỏ (SMEs) với trình độ công nghệ khá hạn chế. Khoảng 85% thiết bị máy móc trong ngành phải nhập ngoại. Nhiều công ty trong nước vẫn sử dụng thiết bị, máy móc lạc hậu, công nghệ sản xuất cũ. Chỉ trừ một số công ty lớn như Duy Tân, Đại Đồng Tiến… đã đổi mới, áp dụng công nghệ, thiết bị nhập khẩu từ Đức, Italy và Nhật Bản. VIRAC cho biết hiện nay ngành nhựa Việt Nam đang trong tình trạng mất cân đối về cơ cấu sản xuất trong khi các nước phát triển chú trọng các sản phẩm nhựa kỹ thuật, DN Việt chủ yếu làm nhựa gia dụng và bao bì. Ngành nhựa Việt Nam cũng phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài chiếm đến hơn 80% do trong nước chưa có khả năng sản xuất. Tình trạng phụ thuộc này sẽ còn kéo dài gây nhiều khó khăn cho các DN trong ngành. |