Tự ý bỏ việc bao nhiêu ngày thì bị sa thải?

Tôi về quê nghỉ tết đến ngày mùng tám thì công ty khai trương làm lại. Tôi muốn nghỉ tết thêm mấy ngày nữa rồi mới đi làm nhưng nghe nói nghỉ quá năm ngày sẽ bị công ty sa thải có đúng vậy không?

Thu Hà (tranthithuhaxuan_have7395@gmail.com)

 Luật sư ĐĂNG LIỆU, Trưởng văn phòng luật sư Lê Đăng Liệu (TP.HCM), trả lời: Theo Điều 126 Bộ luật Lao động, về việc xử lý kỷ luật lao động quy định người sử dụng lao động chỉ được áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động trong trường hợp người lao động tự ý bỏ việc năm ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng.  

Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Tại Điều 31 Nghị định 05/2015 của Chính phủ quy định cụ thể về kỷ luật sa thải đối với người lao động tự ý bỏ việc như sau:

1. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động tự ý bỏ việc năm ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc hoặc 20 ngày làm việc cộng đồn trong phạm vi 365 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

2. Người lao động nghỉ việc có lý do chính đáng trong các trường hợp sau:

a) Do thiên tai, hỏa hoạn;

b) Bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;

c) Các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Tiếp đó, theo Điều 13 Thông tư 47 ngày 16-11-2015 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (có hiệu lực ngày 1-1-2016) người lao động nghỉ việc có lý do chính đáng quy định tại Khoản 2 Điều 31 Nghị định số 05 khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Do thiên tai, hỏa hoạn mà người lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể có mặt để làm việc;

2. Bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp, đứa trẻ mà người lao động mang thai hộ đang nuôi theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Như vậy, bạn có thể tham khảo quy định nêu trên về thời gian việc tự ý nghỉ việc và xử lý kỷ luật sa thải cũng như các trường hợp được xem là nghị việc có lý do chính đáng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều