Theo
Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM), tình trạng bị cáo ra tòa khai do mình bị cơ quan
điều tra đánh đập nên mới khai không đúng với sự thật, diễn ra khá nhiều tại các phiên tòa hình sự. Tuy nhiên, khi các cơ quan tố tụng hỏi bị cáo có chứng cứ gì chứng minh thì các bị cáo chỉ biết lắc đầu.
Vậy làm gì để tránh tình trạng các đối tượng bị ép cung, bị dùng nhục hình
hay bị “tự tử” tại trụ sở công an, tại nhà tạm giam, tạm giữ? Luật sư Nghiêm cho rằng điều kiện kiên quyết là buộc phải có ghi âm, ghi hình trong tất cả các buổi mà công an làm việc với người dân chứ không chỉ riêng ở những buổi hỏi cung.
Công an cho rằng bà chủ nhà nghỉ ở Khánh Hòa tự dùng kéo đâm vào cổ mình để tự vẫn khiến dư luận đầy hoài nghi. Ảnh: TẤN LỘC
Còn theo
Luật sư Phan Ngọc Nhàn (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) nếu cho rằng nhiều địa phương chưa có đủ điều kiện tài chính để trang bị ghi âm, ghi hình thì trước tiên hãy trang bị ngay camera
an ninh tại trụ sở công an và nhà tạm giam, tạm giữ. Bởi camera an ninh chỉ có khoảng mấy triệu đồng là đã có thể mua được rồi. Camera an ninh có khả năng lưu trữ được khoảng một tuần, cũng đủ để khi sự cố xảy ra có thể trích xuất ra tìm hiểu nguyên nhân chết do tự tử hay bị đánh đập.
Riêng
Luật sư Nguyễn Tuấn Lộc (Đoàn Luật sư TP.HCM) còn cho rằng phải tăng nặng trách nhiệm hình sự của các cơ quan chức năng trong trường hợp để dân chết bất cứ vì lý do gì tại trụ sở. Nếu những người dân có những vết thương trước khi đến trụ sở công an thì không được để họ ở lại làm việc nhằm tránh trường hợp cơ quan chức năng đổ lỗi tự té ngã... Và điều quan trọng nhất là cần phải có sự công minh từ chính giám định viên. Không nên để những trường hợp người dân chết tại
cơ quan điều tra mà lại chính người của công an đi giám định nguyên nhân tử vong. Thay vào đó hãy để cho Trung tâm pháp y họ làm cho khách quan.
Cạnh đó,
Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận thấy rằng yếu tố con người vô cùng quan trọng nên cần nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ công an, nâng cao được ý thức việc họ đang làm với người dân. Để từ đó không vì ý chí chủ quan, mà họ tự ý sử dụng các biện pháp bức cung, nhục hình. Nhằm đảm bảo tính nghiêm minh thì phải tăng nặng chế tài đối với các hành vi bức cung, nhục hình, quy định rõ các hành vi nào là
vi phạm pháp luật và hình phạt rõ ràng. Tránh sự mập mờ, bao che cho nhau khi cơ quan chức năng không xem đó là hành vi vi phạm trong bức cung, nhục hình mà lại cho nói giảm đi bằng những hình phạt nhẹ hơn.
Như báo Pháp Luật TP.HCM thông tin, đã có nhiều trường hợp người dân bất ngờ chết tại trụ sở công an và hầu hết được kết luận là chết do “tự vẫn”. Với cái chết khá vô lý như dùng dây thun quần thắt cổ, dùng kéo đâm vào cổ… khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn... Mới đây nhất là trường hợp của bà chủ nhà nghỉ, đã dùng kéo đâm vào cổ tự tử chết tại trụ sở công an khi được mời lên làm việc. Cụ thể, chiều 13-10, công an kiểm tra hành chính nhà nghỉ của bà Huỳnh Thị Nhung (tỉnh Khánh Hòa), bắt quả tang một đôi nam nữ đang có hành vi mua bán dâm. Sau đó, Công an thị xã Ninh Hòa đưa bà Nhung cùng một số người liên quan đến cơ quan điều tra làm việc. Đến 21 giờ 40 cùng ngày, tại phòng làm việc Đội Cảnh sát hình sự, cán bộ điều tra thụ lý lấy lời khai làm việc với bà Nhung ra ngoài báo cáo lãnh đạo. Lúc này tại phòng làm việc, ngoài bà Nhung còn có một cán bộ điều tra khác. Người này quay lưng về phía bà Nhung. Khoảng hai phút sau, một cán bộ công an phát hiện bà Nhung tay cầm kéo, máu chảy nhiều từ vùng cổ. Sau đó bà Nhung được đưa đến BV đa khoa khu vực Ninh Hòa cấp cứu. Tuy nhiên, đến 22 giờ 15 cùng ngày, bà Nhung tử vong. Hiện gia đình bà Nhung đang yêu cầu làm rõ về vụ “tự tử” này. |