Tòa thay thế công văn tạm giữ hơn 2 tỉ đồng của người được thi hành án

(PLO)- TAND Cấp cao tại TP.HCM đã ban hành công văn thay thế công văn trước đó có nội dung tạm giữ số tiền hơn 2 tỉ đồng của người được thi hành án trong một vụ ly hôn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLO đã phản ánh, bà Lương Thị Ngọc Thanh (TP.HCM) khởi kiện ly hôn chồng là ông T tại TAND TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Đến nay, vụ án đã có quyết định giám đốc thẩm nhưng bà vẫn chưa được thi hành án (THA).

Tạm giữ tiền để đảm bảo thi hành án

Xử sơ thẩm tháng 3-2023, TAND TP Thuận An giao cho ông T hai thửa đất, ông T thanh toán cho bà Thanh ½ giá trị hai thửa đất này với số tiền hơn 2,26 tỉ đồng. Về nợ chung, tòa buộc bà Thanh thanh toán cho ông T hơn 2,26 tỉ đồng…

Bà T kháng cáo, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Dương giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần tài sản chung, sửa một phần bản án sơ thẩm về phần nợ chung và án phí.

thi hành án
Bà Thanh khiếu nại việc tạm giữ số tiền và trì hoãn thi hành án. Ảnh:YC

Sau đó, VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm hủy phần chia tài sản chung và nợ chung của hai bản án. Tuy nhiên, Hội đồng giám đốc thẩm TAND Cấp cao tại TP.HCM chỉ chấp nhận một phần kháng nghị, hủy một phần bản án phúc thẩm và một phần bản án sơ thẩm về phần nợ chung.

Ngày 8-7-2024, Chi cục Thi hành án Dân sự (THADS) TP Thuận An ra thông báo về việc nhận tiền và nộp tiền THA. Theo đó, ông T tự nguyện nộp hơn 2,26 tỉ đồng để thanh toán cho bà Thanh nên yêu cầu bà Thanh đến nhận tiền. Đồng thời bà Thanh cũng có nghĩa vụ nộp 91 triệu đồng án phí.

Ngày 15-7, bà Thanh liên hệ để thực hiện thủ tục, chấp hành viên (CHV) sẽ thực hiện trích chuyển để thu số tiền 91 triệu đồng án phí. Số tiền còn lại, CHV sẽ làm thủ tục chuyển vào tài khoản của bà Thanh. Tuy nhiên, 3 tháng sau, bà Thanh vẫn không nhận được tiền. Ngày 22-10, khi được mời đến Chi cục THA làm việc thì bà bất ngờ khi được thông báo là số tiền trên bị tạm giữ nên không thể trả cho bà.

Cụ thể, CHV thông báo rằng ngày 15-8, CHV nhận được Công văn 2177 ngày 9-8 của TAND Cấp cao tại TP.HCM. Công văn nêu quyết định giám đốc thẩm chỉ hủy về phần nợ chung, các phần khác đã có hiệu lực pháp luật. Như vậy, số tiền hơn 2,26 tỉ đồng do ông T đã nộp để thi hành nghĩa vụ về tài sản chung không bị hủy và vẫn có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, TAND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị cơ quan THADS có thẩm quyền tạm giữ số tiền này để đảm bảo THA sau khi tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại về phần nợ chung.

Ngoài ra, Chi cục THA còn cho rằng đã nhận được đơn đề nghị ngăn chặn của các người liên quan trong vụ án. Vì vậy, CHV cho rằng chưa có cơ sở để thực hiện việc chi tiền THA cho bà Thanh.

Bà Thanh cho rằng công văn của TAND Cấp cao tại TP.HCM là không có căn cứ. Vì theo bà Thanh, ông T được lấy đất và trả tiền giá trị cho bà. Trong khi ông T đã nhận đất và chuyển nhượng các thửa đất thì số tiền bà được nhận từ việc chia tài sản chung lại không được nhận, đây là bất công với bà.

Cạnh đó, phần chia tài sản chung không bị hủy nên có hiệu lực cần phải thi hành. Việc CHV tạm giữ số tiền và trì hoãn việc THA theo hướng dẫn của TAND Cấp cao là trái quy định...

Do đó, bà đã gửi đơn khiếu nại việc CHV và Chi cục THADS TP Thuận An về hành vi trì hoãn việc THA, tạm giữ tiền trái quy định.

Tòa ban hành công văn thay thế vì có sai sót

Để hiểu rõ hơn sự việc, PV đã liên hệ Chi cục THADS TP Thuận An, VKSND TP Thuận An (giám sát quá trình THA), Cục THADS tỉnh Bình Dương. Tiếp đến, PV đã liên hệ TAND Cấp cao tại TP.HCM.

Sau khi PV liên hệ thì ngày 20-11, TAND Cấp cao tại TP.HCM có văn bản giải thích quyết định giám đốc thẩm gửi Chi cục THADS TP Thuận An.

Theo đó, TAND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng quyết định giám đốc thẩm chỉ hủy một phần bản án sơ thẩm, phúc thẩm về giải quyết nợ chung. Các phần khác được giải quyết tại bản án sơ thẩm và phúc thẩm có hiệu lực pháp luật. Đề nghị Chi cục THADS TP Thuận An căn cứ phần bản án có hiệu lực pháp luật để thi hành.

Đáng chú ý, TAND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng đối với Công văn 2177 có nội dung “Như vậy, số tiền hơn 2.26 tỉ đồng do ông T đã nộp để thi hành nghĩa vụ về tài sản chung không bị hủy và vẫn có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan THA có thẩm quyền tạm giữ số tiền này để đảm bảo THA sau khi tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án về phần nợ chung” là có nhầm lẫn, sai sót.

Vì vậy, TAND Cấp cao tại TP.HCM ban hành công văn này thay thế Công văn số 2177 để Chi cục THADS TP Thuận An xem xét, thực hiện THA theo quy định.

Không thuộc trường hợp hoãn hay tạm đình chỉ nên phải thi hành

Theo Điều 135 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2014, 2022) về thi hành quyết định giám đốc thẩm thì phần nào bị cấp giám đốc thẩm hủy thì phải chờ kết quả xét xử lại; phần nào không bị hủy, được cấp giám đốc thẩm giữ nguyên thì có hiệu lực và phải thi hành ngay. Vì vậy, đối với phần chia tài sản chung không bị hủy thì phải được thi hành, tức phần quyền của bà Thanh phải được thi hành, cơ quan THA phải chi tiền ông T đã giao nộp cho THA cho bà Thanh.

Về vấn đề công văn của TAND Cấp cao tại TP.HCM có phải là cơ sở để tạm dừng việc THA hay không đã được quy định rõ tại Điều 48 (các trường hợp hoãn THA), Điều 49 (các trường hợp tạm đình chỉ THA) Luật Thi hành án dân sự 2008. Chỉ khi nào có các căn cứ theo hai điều luật này thì việc THA mới được tạm dừng. Đối chiếu với hai điều luật trên thì công văn của TAND Cấp cao không thuộc trường hợp hoãn cũng không thuộc trường hợp phải tạm đình chỉ THA.

Cạnh đó, công văn của tòa không thể thay thế bản án hay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa. Vì theo Điều 2 Luật Thi hành án dân sự 2008 những bản án, quyết định được thi hành không có công văn của tòa.

Cơ quan THA còn đưa ra lý do có đơn ngăn chặn của những người liên quan. Tuy nhiên những người này muốn ngăn chặn tài sản của bà Thanh thì phải thực hiện thủ tục tại tòa án là yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Nếu tòa chấp nhận, lúc này THA mới có căn cứ tạm dừng việc thi hành án.

Nay TAND Cấp cao tại TP.HCM đã ban hành công văn thay thế Công văn 2177 là phù hợp. Chi cục THADS TP. Thuận An cần nhanh chóng thi hành phần bản án đã có hiệu lực để đảm bảo quyền lợi cho bà Thanh.

TS Nguyễn Văn Tiến, Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm