1 thỏa thuận chia tài sản: Tòa án, VKS, Văn phòng công chứng trái quan điểm

(PLO)- Văn phòng công chứng cho rằng phần đất còn lại chưa thỏa thuận vẫn là tài sản chung của vợ chồng, VKSND Cấp cao cũng đồng tình nên kháng nghị nhưng tòa án cho rằng đây là tài sản riêng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo phản ánh của bà Lương Thị Ngọc Thanh (TP.HCM), tháng 7-2020, bà khởi kiện ly hôn chồng là ông T tại TAND TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, những phán quyết của tòa khiến bà vô cùng băn khoăn.

Tiền được chia gần bằng tiền trả nợ cho nhà chồng

Xử sơ thẩm tháng 3-2023, TAND TP Thuận An tuyên xử công nhận thuận tình ly hôn giữa bà và ông T, giao con chung cho bà Thanh nuôi dưỡng.

Về tài sản chung, tòa giao cho ông T hai thửa đất, ông T thanh toán cho bà Thanh ½ giá trị hai thửa đất này với số tiền hơn 2,269 tỉ đồng. Cấp sơ thẩm cũng tuyên không chấp nhận yêu cầu của bà Thanh về việc chia tài sản là 2 thửa đất khác (trong đó có 1 thửa đất hơn 9.600 m2 đất đứng tên ông T).

Về nợ chung, tòa buộc bà Thanh thanh toán cho ông T hơn 2,26 tỉ đồng.

tai-san-chung-ba-thanh.jpg
Bà Lương Thị Ngọc Thanh (TP.HCM) gửi đơn phản ánh đến Báo Pháp luật TP.HCM. Ảnh: YC

Sau khi bà T kháng cáo, xử phúc thẩm tháng 9-2023, TAND tỉnh Bình Dương giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về tài sản chung, sửa một phần bản án sơ thẩm về phần nợ chung và án phí.

Sau đó, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã có quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm.

VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng: Theo văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung của bà Thanh và ông T được công chứng tại văn phòng công chứng (VPCC) Bàu Bàng, ông T thống nhất chia cho bà Thanh 600 m2 đất, các tài sản chung còn lại không được thỏa thuận chia là tài sản chung của vợ chồng.

Sau đó, bà Thanh được cấp giấy chứng nhận đối với 600 m2 đất, còn hơn 9.600 m2 đất còn lại do ông T đứng tên vẫn là tài sản chung của vợ chồng.

Do đó, cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm xác định hơn 9.600 m2 đất là tài sản riêng của ông T nên không chấp nhận yêu cầu chia tài sản của bà Thanh là đánh giá không đúng chứng cứ.

Cạnh đó, đối với hai thửa đất mà tòa tuyên bà Thanh được hưởng ½ giá trị (hơn 2,269 tỉ đồng), không được chia hiện vật do không đủ diện tích tối thiểu để tách thửa là áp dụng không đúng khoản 1 Điều 1 của Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 3-12-2019 của UBND tỉnh Bình Dương.

Cụ thể, theo Quyết định số 28, đối với thửa đất có nhiều loại đất thì việc xem xét tách thửa chỉ áp dụng cho một loại đất nếu có đủ điều kiện... Bà Thanh được chia 150 m² đất ở (đủ diện tích tối thiểu để tách thửa-PV) và 2.753 m² đất trồng cây lâu năm trên cùng thửa đất. Do đó, việc bà Thanh yêu cầu nhận ½ QSDĐ là không trái với quy định của UBND tỉnh Bình Dương.

Cũng theo kháng nghị, các khoản tiền ông T vay của 4 người (cha mẹ, em ruột và bạn của ông T), trong đó, có khoản nợ 1,96 tỉ đồng (vay của em ruột ông T và bạn ông T) chuyển vào tài khoản của ông T trong thời gian bà Thanh và ông T đã ly thân từ năm 2019. Giấy vay tiền không thể hiện mục đích vay, trong khi bà Thanh không thừa nhận khoản nợ vay này.

"Hồ sơ vụ án chưa thu thập đủ các chứng cứ để xác định bà Thanh có hay không có nghĩa vụ liên đới đối với khoản nợ này theo Điều 37, 45 Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) năm 2014. Do đó, việc buộc bà Thanh trả ½ số nợ này là không bảo đảm căn cứ pháp luật", kháng nghị nêu.

Từ đó, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy phần quyết định chia tài sản chung và nợ chung của hai bản án để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

Tuy nhiên, Hội đồng giám đốc thẩm TAND Cấp cao tại TP.HCM chỉ chấp nhận một phần kháng nghị, hủy một phần bản án phúc thẩm và một phần bản án sơ thẩm về phần nợ chung.

Trái chiều chuyện tài sản chung hay tài sản riêng?

Sau khi xử phúc thẩm, bà Thanh liên hệ VPCC Bàu Bàng để xác định diện tích đất còn lại chưa chia của văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng.

Ngày 2-10-2023, VPCC Bàu Bàng trả lời rằng, theo hồ sơ công chứng thì phần diện tích đem chia cho bà Thanh là 600 m2. Diện tích còn lại sau khi trừ đi 600 m2 vẫn là tài sản chung vợ chồng (theo Điều 40 Luật HNGĐ 2014).

Trường hợp ông T muốn chia phần diện tích còn lại thì phải có bản vẽ diện tích đất còn lại. Đồng thời trong văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng phải có nội dung “ Ông T được chia phần diện tích..., số thửa tờ bản đồ số...”

Còn đối với hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất của ông T cùng vợ là bà Thanh cho mẹ ông T 600 m2 đất (lập cùng ngày với văn bản chia tài sản chung) thì phần diện tích tặng cho là 600 m2. Diện tích còn lại sau khi trừ đi 600 m2 vẫn là tài sản chung vợ chồng.

Trao đổi với PV, ông Đoàn Cao Thái (Trưởng VPCC Bàu Bàng) cho biết hồ sơ công chứng thể hiện rõ sau khi chia cho bà Thanh 600 m2 đất và tặng cho 600 m2 đất cho mẹ ông T thì phần còn lại hơn 9.600 m2 đất không chia, vẫn là tài sản chung của vợ chồng. Ông Thái cũng cho biết trong suốt quá trình tố tụng tại tòa, VPCC Bàu Bàng không được tòa án triệu tập tham gia vụ án.

Về phía bà Thanh, bà cho rằng mọi thứ đã rất rõ ràng nên vô cùng khó hiểu về phán quyết của các cấp tòa.

"Đối với văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung, tôi và ông T thỏa thuận chia cho tôi 600 m2, sau đó tặng cho mẹ chồng 600 m2, phần còn lại hơn 9.600 m2 vẫn là tài sản chung, phần này không chia.

Khi thực hiện công chứng, công chứng viên đã giải thích rõ điều này. Sự việc rất rõ và VPCC Bàu Bàng cũng xác nhận việc này, Viện Cấp cao cũng kháng nghị là vì thế nhưng TAND Cấp cao tại TP.HCM lại bác kháng nghị về phần này, thật khó hiểu", bà Thanh nói.

Về phần nợ chung, theo bà Thanh, tất cả những giấy vay tiền viết tay là do ông T tự tạo, chỉ có ông T ký, có những giấy nợ lập khi 2 người đã ly thân. Và chủ nợ không ai xa lạ là ba mẹ, em ruột ông T và 1 người bạn ông T.

Theo bà Thanh, sau khi cấn trừ nợ bà chỉ được nhận 9 triệu đồng (!).

Lập luận của TAND Cấp cao tại TP.HCM về phần chia tài sản chung

Đối với diện tích đất hơn hơn 9.600 m2 đây là một phần đất được tách ra dựa trên văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng. Trên cơ sở của thỏa thuận này thì thửa đất đã được tách thành 2 thửa.

Căn cứ tiêu đề “Văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng”, theo nội dung văn bản thể hiện phần bà Thanh được chia là một thửa, sau đó thì bà Thanh được cấp GCN, còn ông T được cấp GCN đối với thửa còn lại (hơn 9.600 m2). Như vậy, thửa đất cấp cho ông T là thuộc tài sản riêng của ông T.

Vì vậy, việc bà T yêu cầu chia thửa đất này là không có căn cứ chấp nhận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm