Vừa qua, VKSND Tối cao đã ban hành Hướng dẫn số 13 về một số nội dung cơ bản trong kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tặng cho quyền sử dụng đất.
Theo đó, đối với trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng, trước đây khi giải quyết tranh chấp thì tòa án thường xác định hợp đồng vô hiệu.
Tuy nhiên, thực tiễn phát sinh nhiều trường hợp việc chuyển nhượng đất có sự đồng ý của hai vợ chồng nhưng khi làm thủ tục chuyển nhượng chỉ có một bên đại diện ký hợp đồng, việc chuyển nhượng có hiệu lực pháp luật nhưng sau đó do nhiều nguyên nhân (giá đất tăng cao, mâu thuẫn vợ chồng phát sinh... ) nên lấy lý do một bên không ký vào hợp đồng để đề nghị tuyên hợp đồng vô hiệu, gây thiệt hại cho bên nhận chuyển nhượng.
Để khắc phục vấn đề này, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã thông qua Án lệ số 04/2016. Theo án lệ, nếu có đủ căn cứ xác định bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất; bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai; người không ký tên trong hợp đồng biết mà không có ý kiến phản đối gì thì phải xác định là người đó đồng ý với việc chuyển nhượng nhà đất và công nhận hợp đồng.