Bêu dâm và câu chuyện nhân phẩm

Bởi vậy, mặc dù ý kiến công khai danh tính người mua bán dâm được Hà Nội khởi xướng từ năm 2014 và Bộ LĐ-TB&XH “cổ vũ” năm 2015 đến nay vẫn rất khó thực hiện. Bên cạnh thiểu số ý kiến ủng hộ đề xuất này vì nó có tác dụng chống… mại dâm thì đại đa số đều tỏ ra băn khoăn với những hệ lụy mà nó gây ra cả trên phương diện xã hội và pháp lý.

Vì thế, dư luận phản ứng dữ dội trước việc Công an thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, Kiên Giang ngày 29-1 bêu tên những người mua bán dâm là có thể hiểu được. Bởi clip “bêu dâm” ấy khi được mục sở thị đã khơi gợi nơi “độc giả” sự thức tỉnh về nhân phẩm, danh dự và bí mật đời tư. Quyền con người bỗng trỗi dậy trong tâm khảm những người phải chứng kiến cảnh “đấu tố” mà ngay chính trưởng Công an huyện Phú Quốc cũng phải băn khoăn xem “anh em mình” có làm sai hay không.

Nên nhớ rằng ngay cả việc xử lý người mua bán dâm cũng đã phải dựa trên cơ sở tôn trọng nhân phẩm, quyền con người hiến định. Người bán dâm thậm chí còn không bị đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc được giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Dĩ nhiên trừ trường hợp mua dâm người dưới 18 tuổi và cố tình mua dâm để lây nhiễm HIV cho người bán dâm. Ấy vậy mà người phát ngôn của Công an huyện Phú Quốc còn gọi đó là “buổi sinh hoạt nhằm răn đe, phòng chống tội phạm”.

Rõ ràng như đã minh định, mua bán dâm không phải là tội phạm. Mặt khác, Hiến pháp 2013 đã nói rõ: “Mọi người được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể danh dự, nhân phẩm”.

Ngay cả những bị can, bị cáo, tức những người đang bị buộc tội, cũng chưa bao giờ mất đi danh dự, nhân phẩm và những quyền cơ bản khác. Trong xu thế cải cách tư pháp hiện nay, ngay cả hình thức xét xử lưu động đối với những người đang bị buộc tội cũng được chánh án TAND Tối cao đề nghị bỏ. Ngược lại, những người mua bán dâm tại Phú Quốc trong clip lại bị… “bêu dâm”.

Nhân phẩm của họ dù sao đi nữa vẫn còn. Danh dự của họ chưa hề bị mất đi bởi ngay cả Nghị định 167/2013 chưa bao giờ cho phép các cơ quan có thẩm quyền được phép “bêu dâm” họ như vậy. Đối với những bị can, bị cáo, một số quyền dân sự của họ có thể bị tước bỏ nhưng chưa bao giờ nhân phẩm, danh dự của họ bị mất đi. Đơn giản vì dù là bị can, bị cáo, họ vẫn là con người.

Việc “bêu dâm” những người mua bán dâm ở Phú Quốc vấp phải bức xúc của dư luận bởi vượt trên tất cả chuẩn mực đạo đức xã hội chính là sự tôn trọng giữa người với người. Chuẩn mực của văn minh không cho phép những hành động “bêu dâm” như ở Phú Quốc tồn tại. Những người mua bán dâm nếu có phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình thì đó là việc tự thân của họ và do quy định tại nghị định nói trên. Ngoài ra, họ có những năng lực luân lý, nhận thức và tự do thực hiện các hành vi của mình.

Có thể dưới con mắt ai đó, những người mua bán dâm không đáng được tôn trọng nhưng ngay cả khi pháp luật không buộc tội họ thì bất kể ai cũng không có quyền nghĩ rằng họ đáng bị “bêu dâm” như thế. Cũng chẳng thể có ai viện cớ đạo đức hay phòng, chống tội phạm để biện minh cho hành động “bêu dâm”, mà thực chất là chà đạp lên nhân phẩm, danh dự của những người ấy. Đơn giản vì dù sao những người mua dâm, bán dâm vẫn là con người.

Triết gia Kant từng viết: “Tôi không thể thu hồi sự tôn trọng thuộc về một người, bởi căn tính của người đó là CON NGƯỜI, ngay cả khi các hành vi của người ấy làm họ thiếu tư cách”. Vậy lý do gì để Công an huyện Phú Quốc dùng cách “bêu dâm” đâm toạc nhân phẩm của những người đó?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm