Có nhiều trường hợp người phải thi hành án dân sự (THADS) không chấp hành bản án có hiệu lực pháp luật của tòa. Nhưng bằng tâm huyết của những người trong tổ vận động THADS mà các chấp hành viên đã gỡ vướng được nhiều “ca khó”, làm hài lòng cả đôi bên.
Khơi gợi sự tự nguyện
Theo sự chỉ dẫn của cán bộ Cục Công tác phía Nam (Bộ Tư pháp), chúng tôi ghé thăm Cục THADS tỉnh Long An vào những ngày giáp Tết nguyên đán. Bởi ở đây đang có mô hình tổ vận động THADS hoạt động tốt và đi vào nề nếp từ hơn chục năm nay.
Anh Lê Văn Bát, cán bộ Cục THADS tỉnh Long An, chia sẻ anh mới chuyển công tác về Long An được khoảng hai năm. Anh nói: “Làm ở đây khỏe lắm! Khỏe là vì mỗi lần xác minh thông tin tài sản của người phải THA đều được sự hỗ trợ nhiệt tình của các cấp chính quyền địa phương cho tới các đoàn thể”.
Nói rồi, anh dẫn chứng vụ THA của ông T. (72 tuổi) với Công ty Cổ phần NP để minh chứng. Theo đó, tháng 6-2017, bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên buộc gia đình ông T. phải di dời ra khỏi căn nhà cấp bốn, phải tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trên hơn 5.000 m2 đất tại huyện Đức Hòa để trả cho Công ty NP. Ngược lại, công ty này phải bồi thường cho ông T. hơn 470 triệu đồng.
Quá trình tổ chức THA, tổ vận động THA gồm cán bộ xã, hội liên hiệp phụ nữ, trưởng ấp… đã giúp anh Bát và chấp hành viên nắm bắt được hoàn cảnh gia đình nhà ông T. Thực tế ông T. cũng đã cho nhiều người đến thuê mặt bằng trên phần đất phải THA để buôn bán, sửa xe.
Nhờ vận động tốt mà gia đình ông T. đã tự nguyện thi hành án. Ảnh: CTV
Sau nhiều ngày túc trực đi tới đi lui, chấp hành viên cùng tổ vận động đã thuyết phục được những người thuê tự nguyện tháo dỡ và di dời một phần tài sản. Trước đó, ông T. từng viết đơn thư khiếu nại khắp nơi về bản án của tòa và quá trình THA. Cứ mỗi lần anh Bát lập biên bản làm việc là ông T. bắt bẻ từng câu chữ. “Thực ra luật quy định phải dùng từ chuyên môn nhưng ông T. luôn thắc mắc dùng từ như vậy là quá nặng. Nhưng vì mục tiêu hòa giải nên tôi phải cố gắng dung hòa” - anh Bát kể.
Đến ngày cưỡng chế THA, tổ vận động lại kiên trì mỗi người nói một, hai câu, cuối cùng ông T. cũng xiêu lòng, đồng ý di dời tài sản của mình. Tổ vận động lập luận rằng nếu ông T. không nhận tài sản, chấp hành viên phải thuê kho để bảo quản, tài sản lưu kho một thời gian sẽ bị xuống cấp…
Cạnh đó, chấp hành viên cùng với tổ đã vận động phía Công ty NP đóng 100 triệu đồng án phí thay ông T. và hỗ trợ thêm khoảng 500 triệu đồng để gia đình ông T. ổn định cuộc sống.
Anh Bát cho biết: “Chúng tôi luôn vận động trên sự tự nguyện chứ không ép buộc, gò ép ai. Quan trọng hơn tổ vận động phải bám sát địa bàn, nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân thì mới có kết quả”.
Còn theo chấp hành viên, ông T. là người từng đi kháng chiến, tính tình lại hay nói nên tổ vận động đã cùng “đánh” vào tâm lý. “Chú mà để tụi cháu ký quyết định cưỡng chế THA thì chẳng khác nào cưỡng chế cha, chú mình. Làm vậy cháu đau lòng lắm. Nghe xong ông T. rơm rớm nước mắt!” - chấp hành viên kể.
Nhiều nơi đến học tập
Lãnh đạo của Ban Nội chính Tỉnh ủy Long An chia sẻ: “Ở địa phương chúng tôi từ lãnh đạo tỉnh cho tới các đoàn thể ai nấy đều nắm án vanh vách, không có chuyện để chấp hành viên đơn độc một mình. Mô hình cả hệ thống chính trị đều tham gia công tác THA bắt đầu từ năm 2005. Để mọi việc ổn định, chỗ anh Gấu (ông Nguyễn Văn Gấu, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An) cũng phải làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo tỉnh”.
Thấy mô hình hay, Cục Công tác phía Nam đã giới thiệu tới nhiều tỉnh, thành khác. Đến nay cơ quan THADS các tỉnh như Sóc Trăng, Kiên Giang cũng tới Long An học hỏi, áp dụng đã có hiệu quả.
Nếu như nhiều năm trước tỉnh Sóc Trăng không đạt chỉ tiêu mà Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS giao thì trong năm 2017 tỉnh này đã đạt cả bốn chỉ tiêu (đạt chỉ tiêu giải quyết về việc và tiền có điều kiện, đạt chỉ tiêu giảm số việc và tiền có điều kiện chuyển kỳ sau).
Ông Lê Trọng Nguyên (Cục trưởng Cục THADS tỉnh Sóc Trăng) cho biết đó là thành quả của những ngày cử đoàn đi học tập mô hình tổ vận động THADS ở Long An. Sau khi tìm hiểu về, ông Nguyên đã mạnh dạn đề xuất chủ tịch UBND tỉnh cho làm thí điểm tại ba chi cục THADS. Sau một năm, tổ vận động đã phát huy tác dụng, giúp việc cho các đơn vị THA rất nhiều.
Theo ông Nguyên, thành viên tổ vận động đều là người địa phương nên nắm rõ về hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, tâm lý của người dân trên địa bàn. Chính vì vậy họ có cách tiếp cận người phải THA, thậm chí cả người được THA để giải thích động viên. Qua công tác vận động, các bên tranh chấp đã tự nguyện thỏa thuận trong việc THA, tình làng nghĩa xóm được hàn gắn, Nhà nước không phải tổ chức cưỡng chế. Hiện nay Cục THADS tỉnh Sóc Trăng đã đề xuất trưởng Ban chỉ đạo THADS tỉnh triển khai, mở rộng mô hình tổ vận động THADS trên địa bàn toàn tỉnh.
Dù mệt nhưng ai cũng vui Bà Nguyễn Kim Lan, Chi cục trưởng Chi cục THADS quận 3, TP.HCM, cho biết năm 2017, Chi cục đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, được nhận cờ thi đua của ngành tư pháp. Để đạt được thành tích ấy thì công tác dân vận trong quá trình THA vô cùng quan trọng. Nếu làm tốt sẽ giảm được thiệt hại về kinh tế cho các đương sự, tránh ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự địa phương. Chẳng hạn, mới đây Chi cục đã tổ chức thi hành một bản án khó. Theo bản án của TAND TP.HCM thì gia đình bà H. phải bàn giao căn nhà trên đường Kỳ Đồng cho bà O. Nhưng phía gia đình bà H. không đồng ý giao nhà và thách thức nếu bị cưỡng chế thì sẽ tự thiêu. Vì thế chấp hành viên đã phối hợp với tổ dân phố kiên trì nhiều lần đến tận nhà bà H. khuyên nhủ, dù là ngày nghỉ. Chấp hành viên kể: “Kết quả là trước hôm cưỡng chế một buổi, bà H. và gia đình đã tự nguyện chấp hành án. Thấy vậy, cơ quan chức năng đã cho người đến phụ giúp gia đình bà H. Do nhà có nhiều tài sản nên mọi người phải cố gắng chạy đua với thời gian đến tận 10 giờ tối mới xong. Dù mệt nhưng ai cũng vui”. Theo chấp hành viên, nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của tổ dân phố và chính quyền địa phương thì bà H. sẽ phải tốn khoảng 60 triệu đồng chi phí cưỡng chế THA. |