Theo nhiều chấp hành viên (CHV) và thành viên tổ vận động ở Long An, tùy vụ việc, đương sự mà họ áp dụng “chiêu” thuyết phục khác nhau. Chẳng hạn, với người phải thi hành án (THA) là cán bộ, công chức… vốn chú trọng uy tín, tổ vận động phải có cách làm việc tế nhị, đồng thời “đánh” vào tâm lý: “Nếu để xảy ra cưỡng chế lùm xùm thì tai tiếng, người xung quanh, đồng nghiệp, cấp dưới… nghĩ gì về anh chị?”.
Mưa dầm thấm lâu
Phó Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự TP Tân An Trần Văn Dũng cùng tổ vận động dẫn tôi đến thăm ông Th. (75 tuổi, cán bộ về hưu). Theo một bản án, ông Th. xây nhà lấn qua đất của ông T. (một cán bộ đang đương chức). Để tránh làm hư hỏng căn nhà, tòa tuyên cho ông Th. được tiếp tục sử dụng một phần đất lấn chiếm nhưng phải bồi thường cho ông T. gần 190 triệu đồng. Cạnh đó, ông Th. phải tháo dỡ một phần bức tường nhà bếp để trả đất cho ông T.
Cả hai ông mâu thuẫn trầm trọng, không ai nhìn mặt ai. Ông Th. đã thi hành một phần bản án, đóng được gần 190 triệu đồng nhưng không chịu tháo dỡ bức tường mà đề nghị trả thêm cho ông T. 30 triệu đồng. Ông T. nói ông Th. phải bỏ thêm 40 triệu đồng để xây hàng rào, cộng lại là 70 triệu đồng.
Sau nhiều lần làm việc chưa xong, anh Dũng “lén” mời ông Th. lên cơ quan THA trao đổi. Ông Th. về, anh lại mời riêng ông T. lên làm việc. Thấy hai bên vẫn không thống nhất được, anh cùng tổ vận động lâu lâu lại đến nhà ông Th. rỉ tai, ước tính cũng gần 20 lần: “Án có hiệu lực là phải thi hành, nếu không chúng cháu sẽ cưỡng chế. Nhưng làm như vậy không hay vì hai chú đều có uy tín cao ở địa phương, bà con coi sao được?”. Rồi anh đề nghị: “Thôi giờ chú tự tháo dỡ bức tường rồi xây tường mới trả đất cho ông T., như thế sẽ không phải đưa cho ông T. 70 triệu đồng”. Nghe xuôi tai, ông Th. gật đầu.
“Mưa dầm thấm lâu mà! Đeo vụ này mòn mỏi lắm, giờ khỏe rồi. Bức tường đó là một phần căn nhà, nếu đập mà không cẩn thận là sập nhà. Mặt khác, dùng biện pháp mạnh cũng không hay bởi các chú ấy đều là cán bộ, ai cũng bảo vệ uy tín của mình từng chút một” - anh Dũng thở phào.
Anh Nguyễn Minh Luân (thành viên tổ vận động) chia sẻ thêm: “Khu này cán bộ nhiều, cả đương chức lẫn hưu trí. Họ đều có nhận thức cao, mình chỉ cần nói nửa câu là đã hiểu vấn đề rồi. Mình làm đúng thì họ rất ủng hộ, nếu sai là họ yêu cầu ra ngô ra khoai ngay”. Ngồi cạnh, ông Th. ngại ngùng cười: “Chú Dũng cũng thông cảm cho tôi. Tôi cũng có phần lỗi là không theo sát thợ xây nên họ mới xây qua phần đất của nhà ông T. Giờ thì ổn hết rồi nhà báo à”.
Mẹ chị Út vui mừng vì được UBND huyện Châu Thành (Long An) cho cất tạm căn nhà trên đất công. Ảnh: N.NGA
Bị kê biên, vẫn mời tổ công tác uống trà
Tiếp tục theo chân anh Dũng cùng tổ công tác, tôi đi chứng kiến cảnh kê biên tài sản của ông NVM - người phải trả nợ cho một ngân hàng hơn 1 tỉ đồng.
Đến nhà ông M., tôi bất ngờ khi biết từ sáng sớm, ông đã treo bảng “hôm nay tạm ngưng bán nước ngọt và tạp hóa”, sắp sẵn bàn ghế, pha trà chờ tổ công tác đến. Theo thẩm định giá thì giá trị căn nhà phải kê biên là 2,5 tỉ đồng, cán bộ nói gì ông cũng đều chấp nhận hết.
“Sao chú không tự bán nhà để đỡ tốn chi phí cưỡng chế?” - tôi hỏi. “Cơ quan THA cho tôi thời gian rồi nhưng tôi chưa bán, giờ nhờ các chú ấy làm cũng được. Không phải tôi cố tình không trả nợ mà trước tôi cho người ta vay nhiều, giờ họ không trả tôi nên tôi cũng không có tiền” - ông M. phân trần.
Anh Dũng kể: “Để có được buổi kê biên ôn hòa này, chúng tôi đã làm công tác tư tưởng nhiều lần rồi chứ không phải tự dưng được như vậy đâu”. Vài hôm sau, anh bất ngờ báo tin vui: “Ông M. đã đem tiền đến ngân hàng trả rồi. Chúng tôi đã giải tỏa kê biên cho ông ấy. Vậy là ông ấy tiết kiệm được phần chi phí thẩm định, đo vẽ, trích lục”.
Giúp người phải THA có chỗ ở
Anh Võ Văn Xuân (Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự huyện Châu Thành) dẫn tôi ghé thăm nhà chị Út ở thị trấn Tầm Vu. Năm 2003, TAND huyện Châu Thành buộc gia đình chị phải trả gần 40 m2 đất cho người khác. Tòa cho gia đình quyền lưu cư trong sáu tháng để tìm chỗ ở mới.
Sau khi có quyết định THA, anh Xuân và tổ vận động địa phương nhiều lần đến nhà vận động gia đình chị Út tự nguyện giao đất. Gọi là nhà nhưng thật ra nó chỉ là cái chòi lá, có tới ba thế hệ sinh sống, mùa mưa nước chảy lênh láng, chỉ cần một trận mưa lớn là có thể sụp bất cứ lúc nào. Nhiều lần vận động vẫn không thành bởi gia đình chị Út không còn chỗ nào khác để đi. Trước tình cảnh này, UBND huyện đã họp, thống nhất cho gia đình chị được sử dụng mảnh đất công (sát bên cạnh) để cất tạm căn nhà cho có chỗ chui ra chui vào.
Mẹ chị Út (hơn 60 tuổi) xúc động: “Được ủy ban cho đất để cất nhà, tôi mừng lắm cô ơi! Hồi đó tòa xử xong, cả nhà tôi lo lắm bởi chẳng biết đi đâu. Cũng may chòm xóm người cho viên gạch, người cho cái cột, miếng tôn… thế là thành căn nhà mà trước kia nằm mơ cũng không dám nghĩ tới”.
“Nhà chị Út hoàn cảnh lắm, người bán hột vịt lộn, người đi làm thanh long thuê mà công việc bấp bênh. Chúng tôi chỉ muốn tạo điều kiện cho họ có chỗ ở” - ông Trương Văn Biết, Bí thư huyện Châu Thành (khi đó là chủ tịch huyện - Trưởng Ban chỉ đạo THA dân sự huyện), chia sẻ.
“Có tổ vận động, chúng tôi khỏe lắm” Một CHV mới chuyển công tác từ tỉnh khác về Chi cục THA dân sự huyện Châu Thành tâm sự: “Lúc mới về, tôi rất ngạc nhiên. Ở cơ quan cũ của tôi, CHV phải tự lăn xả làm tất cả. Còn ở Long An thì đã có chính quyền địa phương, đoàn thể nhiệt tình phối hợp, vận động đương sự, giúp công tác THA giải quyết nhanh chóng. Có hôm, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho hôm sau xuống cưỡng chế nhưng ngay tối đó lại nhận được điện thoại của tổ vận động báo đã thuyết phục được đương sự tự nguyện THA. Có tổ vận động, chúng tôi khỏe lắm!”. “Tổ vận động là tai mắt, là cánh tay nối dài cho CHV, giúp cung cấp thông tin về tài sản của người THA rất nhanh chóng, chính xác. Cưỡng chế lúc nào phù hợp, đương sự có dấu hiệu tẩu tán tài sản hay không, tổ vận động đều nắm rõ” - ông Nguyễn Văn Gấu (Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Long An) nhận xét. Ông Trương Văn Biết (Bí thư Huyện ủy Châu Thành) cũng cho biết: “Chúng tôi coi công tác THA dân sự là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan THA. Đối với những bản án tòa tuyên không rõ, chúng tôi sẽ mời thẩm phán chủ tọa qua làm việc, nếu không giải thích rõ ràng ngay là chúng tôi “cạch” liền!”. Sẽ nhân rộng mô hình Mô hình tổ vận động tại Long An là cách làm hay, đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác THA dân sự. Tới thời điểm này, tôi đánh giá mô hình này mang lại hiệu quả cao nhất bởi huy động được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tham gia một cách rất bài bản. Nhiều lần tôi tiếp xúc với các tổ vận động, anh trưởng ấp, chị cán bộ phụ nữ, chú cựu chiến binh… làm tôi rất ngạc nhiên bởi họ nói chuyện bài bản, nắm chắc pháp luật. Tôi đã báo cáo với Bộ Tư pháp đề nghị nhân rộng mô hình này tới nhiều địa phương khác. Hiện nay ở Sóc Trăng cũng đang bắt đầu áp dụng. Ông TRẦN HOÀI PHÚ, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam của Bộ Tư pháp |