Nghe qua nó giống công tác hòa giải ở cơ sở nhưng không vận động những chuyện đời sống, sinh hoạt hằng ngày mà để giải quyết một loại công việc THA khá chuyên môn.
Nó đặc biệt bởi chưa có một văn bản pháp luật THA nào quy định và hướng dẫn thực hiện. Luật THADS hiện hành quy định việc vận động thuyết phục THA là một khâu, biện pháp nghiệp vụ của chấp hành viên trong quá trình THA. Bởi người ta cho rằng chỉ có chủ thể này mới đủ tư cách để “nói chuyện” với người dân trước khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
Thế nhưng chính những bà trưởng ấp, chị hội phụ nữ, bác cựu chiến binh lại là nòng cốt để gỡ vướng cho quá trình THA vốn được ví như “cái túi” chứa đơn khiếu nại, tố cáo. Thực tế cho thấy đã có nhiều vụ cưỡng chế THA mà các đương sự chống đối đến cùng, ôm can xăng tử thủ trong nhà, dẫn đến những hậu quả nặng nề. Có vụ sau khi cưỡng chế thì ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị, an ninh ở địa phương, tạo ra những dư luận không tốt. Với sự chung tay của các thành viên trong tổ vận động THA ở Long An, mọi việc trở nên nhẹ nhàng và hình ảnh của những chấp hành viên cũng trở nên gần gũi, thân thiện hơn. Thành công của họ xuất phát từ hai chữ ngắn gọn “gần dân” mà không phải cán bộ nào cũng làm được.
Họ không phải là người của cơ quan THA, không hưởng lương của ngành và không có chuyên môn về THA nhưng họ có tinh thần vì dân và sự nhiệt tình đối với công việc. Lợi thế của mô hình này chính là việc các thành viên cùng nhau xuống tận nơi, biết từng hoàn cảnh, đời sống, sinh hoạt, thu nhập… của người phải THA, từ đó đề xuất được các phương án THA khéo léo, linh hoạt. Thế mới có chuyện tổ vận động bỏ tiền ra mua vịt giúp đương sự để họ có tiền THA khoản 500.000 đồng tiền án phí. Thế mới có chuyện trước ngày cưỡng chế mà một người được THA vốn liên tục yêu cầu THA, chấp nhận cho người phải THA trả dần khoản nợ, sau nhiều lần thành viên trong tổ gặp gỡ, thuyết phục...
Thành công của mô hình không phải là hàng trăm điều luật ràng buộc nhau làm cơ sở thực hiện, mà tình đoàn kết của thành viên và lòng cảm mến của người dân đối với họ.
Thế mới thấy rằng hiệu quả của công tác THA không chỉ đơn thuần là dùng các biện pháp cưỡng chế, ép buộc mà nó xuất phát từ khâu thuyết phục người dân. Thành công của mô hình tổ vận động THA không chỉ là “bảo bối” mà là cánh tay nối dài của chấp hành viên và cơ quan THA tỉnh Long An. Điều này thiết nghĩ rất đáng được học hỏi và nhân rộng.