“Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh công tác này mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế - xã hội”. Đó là chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào giữa tháng 8 vừa qua.
Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm diễn ra trong bối cảnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam trong nhiều năm qua được tiến hành một cách quyết liệt với nhiều kết quả tích cực.
Nhìn lại quá trình ấy, đặc biệt từ Đại hội XI mà cao trào nhất là từ đầu Đại hội XIII đến nay, có thể thấy công tác phòng, chống tham nhũng đã đi đúng hướng, với mục tiêu làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Nói như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, tuyệt nhiên không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ” như một số người từng ý kiến, hoài nghi.
Trong cuộc chiến ấy đã có những “trận đánh” lớn vào các nhóm “giặc thân hữu”, là những cú bắt tay nồng nặc mùi tiêu cực với số tiền “lót tay”, “bôi trơn”, “hoa hồng”, “lại quả”, “cảm ơn” có khi lên đến hàng triệu USD, số tiền mà không quá nhiều người dân có thể dám mơ rằng một lần nào đó trong đời họ có thể thụ hưởng dù cần lao đến mấy. Câu nói của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” và những gì Đảng, Nhà nước đã triển khai đồng bộ trong thực tế trong công tác giám sát, phát hiện, kiểm tra, thanh tra, xử lý sai phạm, bất kể là các quan chức địa phương hay lãnh đạo cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã cho thấy quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị trong việc sàng lọc, làm trong sạch đội ngũ đảng viên, cán bộ, lãnh đạo và cả những doanh nghiệp (DN) sẵn sàng “đi đêm”, “đi tắt đón đầu” bằng quan hệ và bằng tiền.
Việc kiên quyết loại trừ khỏi hàng ngũ của Đảng những lãnh đạo thiếu đức độ, tham lam, nhũng nhiễu, suy thoái tư tưởng và đạo đức dù không dễ dàng nhưng sẽ chấn chỉnh tính nghiêm minh, hiệu quả của nền hành chính - công vụ, giúp người dân, DN củng cố, tăng cường niềm tin vào thể chế và đất nước này. Song song đó, việc xử lý những DN như Việt Á, Vạn Thịnh Phát, Xuyên Việt Oil… đã củng cố niềm tin của những người làm ăn chân chính, từ những DN trong nước đến các nhà đầu tư nước ngoài và trên hết là cộng đồng quốc tế.
Ở một góc nhìn khác, quá trình phòng, chống tham nhũng cũng giúp hệ thống chính trị nhận diện được những hạn chế, kẽ hở hay những chồng chéo, lạc hậu, không thực tiễn, thiếu hiệu quả… của một số cơ chế, chính sách trong lãnh đạo, quản lý hành chính, kinh tế, xã hội, văn hóa. Việc khắc phục, xử lý kịp thời sẽ giúp tạo dựng một môi trường sống cho người dân tốt hơn, hệ sinh thái làm ăn và kinh doanh cho nhà đầu tư hấp dẫn hơn, một xã hội đáng sống hơn.
Việt Nam, như thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, vẫn sẽ mạnh mẽ quyết tâm tiếp tục kế thừa, tiếp nối, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với cường độ, quan điểm, tư tưởng, phương châm như những năm qua; đồng thời, không để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cản trở phát triển kinh tế - xã hội.
Đó không phải là một nhiệm vụ đơn thuần hay tức thời, mà trên hết đó là cả một sứ mệnh dài hạn và lớn lao - đánh “giặc nội xâm” để an dân, thịnh quốc.