Thời luận

Cú hích nâng cao chất lượng giáo dục

(PLO)- Theo Kết luận 91-KL/TW ngày 12-8-2024 của Bộ Chính trị, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị đã đánh giá rất cao vai trò của nghề giáo. Đây là tín hiệu vui cho những người làm công tác giáo dục, điều mà họ đã mong mỏi, chờ đợi bấy lâu nay.

Nghề giáo là một nghề đặc thù. Trên thực tế, theo các bậc học đều quy định rõ số buổi, số tiết nghĩa vụ của giáo viên (GV). Tuy nhiên, để có thể đứng lớp giảng dạy, đòi hỏi thầy cô phải dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị giáo án phù hợp với từng đối tượng của từng lớp giảng dạy. Thời gian nghiên cứu giáo án có khi gấp bốn lần thời gian đứng lớp. Bên cạnh đó, GV còn phải tham gia các hoạt động với học sinh (HS) do nhà trường tổ chức. Nếu là GV chủ nhiệm lớp, họ còn phải phối hợp với gia đình trong vấn đề giáo dục HS. Đối với những em cần quan tâm đặc biệt, có khi phải đến tận nhà để tiếp xúc hoặc mời phụ huynh đến để cùng trao đổi, làm việc.

Bộ Chính trị.jpg
Theo Kết luận 91-KL/TW ngày 12-8-2024 của Bộ Chính trị, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN

Thầy giáo không chỉ là người truyền thụ kiến thức trong sách giáo khoa mà còn là người giáo dục nhân cách cho người học. Do đó, thầy cô phải đầu tư thời gian rất nhiều cho công tác giảng dạy cũng như việc phối hợp để giáo dục HS.

Thế nhưng, đồng lương của GV trước đây khó đảm bảo cuộc sống tối thiểu của đại bộ phận thầy cô, ngoại trừ một số người có thể dạy thêm. Để trang trải cuộc sống, buộc lòng nhiều thầy cô ngoài giờ dạy sẽ phải phụ giúp gia đình hoặc tìm việc làm thêm để tăng thu nhập. Trong khi đó, lao động của nhà giáo là lao động đặc thù, nếu muốn làm tốt nhiệm vụ phải dành nhiều thời gian cho công việc.

Chính vì thế, chủ trương của Bộ Chính trị rất hợp lý. Nó là động lực giúp thầy cô yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý cho công việc giảng dạy; là cú hích nâng cao chất lượng GD&ĐT. Điều này tạo điều kiện cho ngành sư phạm trong thời gian tới sẽ thu hút được nhiều nhân tài vì công việc ổn định, chế độ đãi ngộ xứng đáng.

Thực tế thời gian qua, qua rất nhiều đời bộ trưởng Bộ GD&ĐT, vấn đề này đã được đề cập nhưng chưa thành hiện thực. Bởi để thực hiện vấn đề trên, một mình Bộ GD&ĐT là không thể. Do đó, với Kết luận 91 của Bộ Chính trị, hy vọng các bộ, ngành có liên quan sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT để tương lai gần, vấn đề này sẽ sớm trở thành hiện thực và tạo động lực lớn cho nhà giáo cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.

Khi thầy cô không còn phải lo về cuộc sống, không còn phải đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập, họ sẽ có nhiều thời gian để tập trung cho việc giảng dạy, từ đó chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên.

Chủ trương của Bộ Chính trị sẽ tạo cú hích cho ngành giáo dục phát triển. Tất nhiên, ngành giáo dục cũng phải có những quy định đối với nhà giáo để họ nghiêm túc trong việc thực hiện nhiệm vụ lớn lao này đối với đất nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm