Các vụ đại án tham nhũng gần đây vừa khiến dư luận bức xúc vừa làm cho nhiều người nghĩ suy về nguồn gốc tài sản khủng của không ít quan chức, cán bộ. Nhiều cựu quan chức đứng trước tòa còn thản nhiên gọi các khoản tiền mà họ nhận hối lộ là tiền cảm ơn, quà biếu. Cảm ơn gì mà đến hàng tỉ đồng?!
Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, trưởng đoàn thanh tra Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), nhận hối lộ 5,2 triệu USD từ Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB). Trước tòa, bà Nhàn cho rằng: “Khi mối quan hệ tốt lên, việc Văn hay tặng quà cho bị cáo là lẽ bình thường của cuộc đời. Chẳng hạn như việc Văn tặng bị cáo hồ lô thì bị cáo tặng lại Văn phật thủ”.
Còn trong vụ án Công ty Xuyên Việt Oil, bà Mai Thị Hồng Hạnh (chủ tịch công ty này) đã tặng cho ông Nguyễn Lộc An (cựu phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) đồng hồ Patek Philippe, sau đó ông An bán đồng hồ này với giá 23.000 USD. Tương tự, bà Hạnh tặng ông Lê Đức Thọ (cựu bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) đồng hồ Patek Philippe trị giá 421.000 USD; tặng ô tô Mercedes S450 Luxury trị giá 6,7 tỉ đồng; tặng bộ gậy golf Honma trị giá 1,1 tỉ đồng và hơn 1 triệu USD tiền mặt cùng nhiều phần quà tiền tỉ khác.
Phàm ở đời, hễ “bánh ít đi” thì “bánh quy lại”, làm gì có chuyện ai cho/biếu/tặng không ai cái gì. Vấn đề là: Quan chức tặng lại cho doanh nghiệp cái gì? Cái mà chúng ta dễ thấy nhất đó là ưu ái duyệt hoặc tác động để người/cơ quan có thẩm quyền duyệt cho dự án; cho một cái “cơ chế riêng” thoáng hơn so với điều kiện, quy định hiện hành; cho “chỉ định thầu”, cho thông thầu trót lọt; miễn hoặc giảm thuế trái quy định…
Một ví dụ mới nhất là vụ án đưa, nhận hối lộ, vi phạm quy định đấu thầu xảy ra tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mà Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra hôm 23-9. Theo đó, cơ quan điều tra xác định từ năm 2017 đến 2018, bà Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch Công ty Phùng Vĩnh Hưng, đã nhiều lần đưa hối lộ cho cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Nguyễn Đức Thái dưới dạng những túi quà tặng dịp lễ, Tết tổng cộng 20 tỉ đồng. Đổi lại, ông Thái đã “bùa phép” để cho công ty của bà Ngọc được trúng 13 gói thầu với tổng trị giá 2.100 tỉ đồng. Tương tự, bị can Nguyễn Trí Minh, giám đốc Công ty Giấy Minh Cường Phát, đưa hối lộ 4,9 tỉ đồng cho ông Thái để được ông này tạo điều kiện trúng, thực hiện năm gói thầu cung cấp giấy, tổng trị giá 209 tỉ đồng.
Những ví dụ trên đây là những chuyện đổi chác kiểu “ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”. Trên thực tế, dân gian còn đồn đoán nhiều mối quan hệ mà cán bộ địa phương vừa nghe tên đã phải kiêng dè, sợ sệt. Chẳng hạn, doanh nhân này là… con nuôi của quan chức kia, chủ doanh nghiệp nọ là bạn rất thân của “anh Năm”, “chị Tám”…
Thậm chí để đầu tư cho tương lai, một số doanh nghiệp không chỉ “chơi thân” với cấp trưởng hiện tại mà còn phải biết thiết lập mối quan hệ “như người nhà” với cấp phó thuộc diện có triển vọng, tất nhiên việc này không để cho cấp trưởng hiện tại biết…
Và khi doanh nhân ấy xuất hiện, chẳng hạn tham gia đấu thầu ở một địa phương thì trong những lần tiếp xúc đầu tiên, thể nào anh ta cũng tìm cách “thông báo” về mối quan hệ mà anh ta là người được “đỡ đầu” với những “bằng chứng đáng tin cậy”. Khi đó, cái mà anh ta mong muốn là anh ta được địa phương ưu ái trong làm ăn, đấu thầu và nhiều điều khác nữa.
Một thời gian dài chúng ta thường thấy không ít doanh nhân hay treo ảnh của họ chụp chung với vị lãnh đạo này, vị quan chức kia ở nơi trang trọng trong công ty. Đó không phải là sự khoe khoang thì là gì?! Tuy vậy, cách đó cũng đã lỗi thời, vì nó khá “phô”. Dân làm ăn quan niệm đẳng cấp của người “giỏi quan hệ” là phải biết giấu kín các mối quan hệ quan trọng. Thậm chí để đầu tư cho tương lai, một số doanh nghiệp không chỉ “chơi thân” với cấp trưởng hiện tại mà còn phải biết thiết lập mối quan hệ “như người nhà” với cấp phó thuộc diện có triển vọng, tất nhiên việc này không để cho cấp trưởng hiện tại biết…
Có rất nhiều chuyện mà người ta kể nhau nghe như giai thoại. Tuy không có bất kỳ sự kiểm chứng nào, chưa có cơ quan có chức năng nào kết luận là có thật nhưng một vài hình ảnh khệnh khạng của những nhân vật doanh nhân có máu mặt một thời cũng khiến chúng ta suy nghĩ rất nhiều.
Quan chức nhận tiền khi bị phát hiện lẽ dĩ nhiên sẽ bị tội, dễ thấy nhất là tội nhận hối lộ. Nhưng không phải mọi cuộc nhận hối lộ đều bị phát hiện, phơi bày. Mà tình trạng quan chức, cán bộ ở ta giàu lên bất thường thì lại không phải hiếm.
Hiện tại, ở nước ta BLHS chưa có tội làm giàu bất chính. Có lẽ vì thế mà một số quan chức, cán bộ suy thoái cho rằng họ có thể dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng, hợp thức hóa các khoản tiền hối lộ bằng danh xưng “quà tặng”, “quà cám ơn”… Đó cũng là lý do mà khi bị lộ, đứng trước tòa họ vẫn cứ nhơn nhơn cho rằng đó là quà biếu, là chuyện bình thường.
Trong khi đó, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng ở Điều 20 đã quy định khá cụ thể về tội làm giàu bất hợp pháp. Việt Nam ký tham gia công ước trên vào năm 2003 và phê chuẩn công ước vào năm 2009. Theo xu hướng chung, chúng ta cũng đã nhìn thấy những “khoảng trống” trong việc giám sát và phát hiện các khoản tiền bất chính của quan chức.
Một khi được luật hóa vấn đề này, cứ quan chức nào giàu lên bất thường mà không chứng minh được nguồn gốc tài sản mình có là chính đáng thì sẽ bị quy tội làm giàu bất chính. Khi đó, chức tước bị lột, tài sản bị tịch thu và quan chức bị vào tù.