Phải để thầy cô được đàng hoàng dạy thêm

(PLO)- Vấn đề đặt ra hiện nay không phải cấm thầy cô dạy thêm, bởi nó là nhu cầu có thực. Quan trọng là cách tổ chức, quản lý để phát huy những mặt tích cực, hạn chế những tiêu cực phát sinh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Điểm nổi bật của dự thảo thông tư về việc dạy thêm, học thêm là đã loại bỏ các thủ tục hình thức, như giáo viên cần xin phép hiệu trưởng để được dạy học sinh của mình như quy định hiện hành (Thông tư 17/2012).

Dự thảo cho phép thầy cô dạy thêm học sinh của mình nhưng cần lập danh sách học sinh, báo cáo hiệu trưởng và cam kết không bắt buộc các em dưới mọi hình thức. Đồng thời, giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.

thầy cô dạy thêm
Dự thảo của Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về việc thầy cô dạy thêm, cụ thể, dự kiến giáo viên sẽ được dạy thêm ngoài trường đối với học sinh chính khoá của mình. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM và nhiều chuyên gia giáo dục khác khẳng định dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật trong xã hội.

Đứng ở phía người học, trong mỗi lớp, học sinh có trình độ nhận thức khác nhau. Trong khi đó, thời gian dạy hạn chế, giáo viên khó có thể bao quát tất cả. Mặt khác, nhu cầu học thêm không chỉ đến từ những học sinh yếu kém nhằm củng cố kiến thức, học sinh khá, giỏi cũng mong muốn được học thêm để nâng cao kiến thức.

Về phía người dạy, thầy cô dạy thêm một phần đáp ứng nhu cầu của người học. Hơn nữa, lương giáo viên hiện nay dù đã được cải thiện hơn trước nhưng với yêu cầu cuộc sống, một số thầy cô cũng mong muốn có thêm thu nhập chính đáng để trang trải.

Việc dạy thêm buộc giáo viên phải nghiên cứu sâu hơn, phần nào đó vừa có thêm thu nhập vừa có thêm kiến thức để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy tùy đối tượng. Nếu việc dạy thêm được thực hiện nghiêm túc sẽ có lợi cho người học và người dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong thực tế, có những thầy cô dạy thêm theo đúng lương tâm, trách nhiệm nhưng cũng có người có biểu hiện tiêu cực như dạy không hết kiến thức trong giờ chính khóa, lôi kéo học sinh, đối với học sinh không tham gia học thêm thì tìm cách trù dập.

Đó là lý do khiến Thông tư 17 trước đây quy định cấm thầy cô dạy thêm đối với chính học trò của mình tại trường, tại lớp nhưng dù cấm thì thực tế vẫn xuất hiện tình trạng trên. Dự thảo hiện nay cho phép giáo viên được dạy thêm chính học trò của mình là hợp lý và sát với thực tế, quan trọng là cách quản lý sao cho hiệu quả, tránh tiêu cực.

Thông tư 17 quy định về dạy thêm, học thêm đã tồn tại rất lâu. Do đó, khi xây dựng dự thảo mới, Bộ GD&ĐT cần đánh giá những ưu điểm, những mặt còn hạn chế để có sự bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, đặc biệt là vấn đề quản lý.

Đã từng có một thời dư luận xôn xao những câu chuyện “bắt dạy thêm như bắt trộm”, thầy cô giáo dạy học thêm bị các đoàn kiểm tra phát hiện sai phạm, báo chí đăng tin khiến họ trở thành kẻ xấu. Hy vọng với dự thảo thông tư lần này, thầy cô được đàng hoàng dạy thêm như một cách góp thêm giá trị cho cuộc đời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm