Từ những ‘tiệm phá xe’: Nghiêm trị sự bất lương!

(PLO)- Loạt bài điều tra trên báo Pháp Luật TP.HCM đã vạch trần hành vi kiếm tiền bất lương của những người sửa xe coi thường pháp luật.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tuần qua, báo Pháp Luật TP.HCM đã đăng loạt bài điều tra vạch trần chiêu trò của nhiều tiệm sửa xe dọc các quốc lộ ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… cố ý phá hỏng xe của người đi đường, sau đó thay phụ tùng kém với giá “cắt cổ”. Cơ quan công an cũng đã nhanh chóng vào cuộc để điều tra, xử lý người vi phạm.

tiệm phá xe
Các trinh sát hình sự Công an huyện Long Thành (Đồng Nai) ập vào bắt quả tang, khám xét thu giữ các tang vật liên quan tại tiệm sửa xe, quán phở, cà phê võng của Thước trên Quốc lộ 51, đoạn qua xã Long An. Ảnh: NHÓM PV

Xét về góc độ pháp lý, việc xác định một hành vi nào đó có phạm tội hay không, nếu có thì phạm tội gì và mức hình phạt như thế nào… đều phải tuân thủ quy định của BLHS, BLTTHS và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành.

Cụ thể, căn cứ theo quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì hành vi của những thợ sửa xe trong loạt bài điều tra ghi nhận có dấu hiệu của ít nhất là hai tội. Đó là tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178) và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174).

Ở tội cố ý làm hư hỏng tài sản, chúng ta dễ thấy tài sản bị làm hư hỏng trong trường hợp này đa phần không có giá trị lớn, chỉ là lốp xe, xăm xe máy, vài phụ kiện có giá trị không cao lắm. Xét dưới góc độ của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì số tiền mà những người này mỗi lần chiếm đoạt cũng không nhiều, đa số dưới mức 2 triệu đồng, cũng có trường hợp hơn 2 triệu đồng nhưng không nhiều. Tuy nhiên, do hành vi của những người này gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên theo quy định, hành vi của họ thuộc điểm c khoản 1 Điều 178 BLHS hoặc thuộc điểm c khoản 1 Điều 174 BLHS. Nói cách khác, dù tài sản làm hư hỏng hoặc chiếm đoạt trị giá dưới 2 triệu đồng thì hành vi của những người này vẫn đủ yếu tố cấu thành tội hủy hoại… hoặc lừa đảo... Xử lý tội danh nào, một trong hai hoặc cả hai… sẽ do cơ quan tố tụng quyết định khi đã điều tra, đánh giá vụ việc một cách khách quan, toàn diện.

3700cff0a8b10fef56a0.jpg
LS Trương Ngọc Liêu, Đoàn LS TP Hà Nội.

Ở góc độ khác, xét về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi dưới góc độ pháp luật hình sự thì hành vi của những người này cũng không quá nghiêm trọng so với các nhóm tội danh như giết người, cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên đến vài chục tỉ đồng, thậm chí là hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là hành vi của họ cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Nếu cái nhỏ chúng ta không kiên quyết đấu tranh, không kiên quyết xử lý thì sẽ dễ dẫn đến “cái sảy nảy cái ung”, từ vi phạm nhỏ, đơn giản có thể dẫn đến vi phạm lớn, phức tạp, khó xử lý.

Dư luận đã bày tỏ sự bất bình đối với thủ đoạn làm ăn gian dối của các chủ tiệm, thợ sửa xe bất lương. Nhiều người - nhất là những người từng là nạn nhân - đề nghị xử lý thật nặng những người này. Thế nhưng có không ít người lại cho rằng mặc dù biết rõ họ làm ăn thất đức nhưng do bận việc gấp, “lạ nước lạ cái” nên đành im lặng, móc ví trả tiền cho xong chuyện.

Có thể nói bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào xảy ra cũng dựa trên kẽ hở của sự giám sát xã hội; kẽ hở của pháp luật; kẽ hở đạo đức. Việc nạn nhân không lên tiếng chính là tạo kẽ hở của sự giám sát xã hội; nếu cơ quan chức năng không xử nghiêm những người có hành vi sai trái thì đó là kẽ hở của pháp luật. Thế nhưng, điều đáng lo ngại hơn ở đây chính là kẽ hở đạo đức.

Mặc dù số tiền thu được từ hành vi vi phạm, giá trị tài sản bị những người này cố ý làm hư hỏng không cao nhưng sự bức xúc của xã hội đối với hành vi mà những người này gây ra là vô cùng lớn. Chính những hành vi bất lương cứ lặp đi lặp lại như thế đã góp phần tạo nên tâm lý bất an cho người dân, khiến người dân hoang mang. Đấy mới là cái mất mát lớn hơn, đáng sợ hơn những gì chúng ta lượng giá về giá trị tài sản trong cấu thành tội phạm, về mức độ nghiêm trọng, ít nghiêm trọng, rất nghiêm trọng… trong tính chất hành vi của những người làm ăn bất lương này.

Nói cách khác, vấn đề ở đây không chỉ dừng lại ở việc vi phạm pháp luật, vi phạm đến mức nào mà hơn hết là vấn đề đạo đức làm người. Rõ ràng những người này đã kiếm tiền một cách bất lương, đi ngược lại chuẩn mực ứng xử tối thiểu giữa người với người trong cuộc sống. Hành vi của họ đi ngược lại tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn trong truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta.

Vì vậy, việc cơ quan công an phối hợp với báo nhanh chóng vào cuộc xử lý không chỉ để trừng phạt những người làm sai ở các tiệm sửa xe được “điểm mặt chỉ tên” trong loạt bài điều tra mà còn để răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa chung đối với các tiệm sửa xe khác cũng đang có hành vi làm ăn gian dối tương tự.

Đạo đức là pháp luật tối đa, pháp luật là đạo đức tối thiểu. Những quy định của pháp luật về bản chất là việc luật hóa các quy tắc xử sự theo chuẩn mực về đạo đức tối thiểu cần phải có giữa người với người, là yêu cầu tối thiểu chúng ta phải có với tư cách là một công dân.

Loạt bài điều tra nêu trên của báo Pháp Luật TP.HCM cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai đang có ý định làm ăn gian dối, cố tình vi phạm pháp luật để tìm kiếm lợi ích một cách bất hợp pháp. Bởi cái giá phải trả cho những hành vi sai trái là vô cùng đắt, nó không chỉ buộc cá nhân vi phạm phải đối mặt với nguy cơ tù tội mà đó còn là những quành vẽ xấu xí lên khuôn mặt danh dự của con người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm