Ba ngày qua, trên trang mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc - Weibo xuất hiện làn sóng kêu gọi tẩy chay du lịch Thái Lan.
Sự việc này xuất hiện từ sau sự kiện hai tàu chở hơn 120 du khách Trung Quốc bị nhấn chìm trong cơn bão lớn ngày 5-7 ngoài khơi đảo Phuket, Thái Lan. Thống kê gần nhất cho biết đã có 49 người được cứu sống, ít nhất 41 người thiệt mạng và nhiều người vẫn đang mất tích.
Trung Quốc là nguồn khách du lịch nước ngoài lớn nhất của Thái Lan. Theo số liệu chính thức, khoảng 10 triệu người Trung Quốc đã tới Thái Lan du lịch vào năm ngoái.
Một du khách Trung Quốc được cứu sống. Ảnh: BANGKOK POST
Sở dĩ người dân Trung Quốc phản ứng gay gắt trước vụ tai nạn này và kêu gọi tẩy chay du lịch Thái Lan là vì Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwa ngày 9-7 quy trách nhiệm cho chủ đoàn du lịch Trung Quốc không tuân thủ các cảnh báo an toàn.
"Tai nạn này hoàn toàn là người Trung Quốc hại người Trung Quốc. Tàu là của họ. Họ đã bỏ qua những cảnh báo và khăng khăng ra biển. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về việc này mà chính họ phải chịu trách nhiệm. Họ phải tự giải quyết nó” - Phó Thủ tướng Prawit nói với các phóng viên địa phương trong một video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội ngày 9-7.
Đáp lại bình luận trên, hôm qua 11-7, China Daily cho rằng bình luận của ông Prawit là “khiêu khích và vô trách nhiệm”, rằng "kể cả khi điều ông ấy nói là thật thì chính phủ Thái Lan cũng không thể trốn tránh trách nhiệm trong việc đảm bảo an ninh và an toàn cho khách du lịch”.
Đội cứu hộ và nhân viên y tế Thái Lan đang giải cứu các du khách gặp nạn trong vụ chìm tàu tại một cảng ở Phuket ngày 6-7. Ảnh: CNN
Nhiều tài khoản trên mạng xã hội Weibo dẫn lời các nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết không có cảnh báo chính thức nào ở Phuket khi các tàu rời cảng. Một số khác cho rằng các thủy thủ đoàn người Thái bị cáo buộc đã bỏ rơi hành khách khi nước tràn lên tàu. Một số tài khoản viết rằng những người Trung Quốc may mắn sống sót và gia đình các nạn nhân đã phải đối mặt với sự chậm trễ khi cố gắng nhận dạng thi thể người thân.
"Bây giờ Trung Quốc có thể dễ dàng bị ức hiếp và mạng sống người Trung Quốc có thể dễ dàng bị chà đạp vậy sao? Tôi vui mừng vì đội bóng nhí Thái được giải cứu nhưng tôi sẽ không bao giờ đi du lịch đến nước này lần nào nữa" - CNN dẫn lời một người dân Trung Quốc viết trên Weibo ngày 11-7.
Về phía Thái Lan, giữa làn sóng bị Trung Quốc kêu gọi tẩy chay, Đại sứ quán nước này tại Bắc Kinh phải can thiệp rằng bình luận của ông Prawit "có thể đã làm tổn thương gia đình các nạn nhân" và phó thủ tướng cũng bày tỏ "sự nuối tiếc và lời xin lỗi" đến những du khách Trung Quốc gặp nạn.
"Thái Lan sẽ giải quyết tốt nhất và đối xử công bằng nhất với tất cả du khách bị ảnh hưởng trong vụ tai nạn. Chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với Trung Quốc để xây dựng các biện pháp phòng ngừa, tránh để những tai nạn tương tự lặp lại" - Đại sứ quán Thái Lan tại Trung Quốc cho biết.
Người thân của một nạn nhân Trung Quốc sau vụ chìm tàu tại bệnh viện Vachira Phuket ngày 8-7. Ảnh: AP
Giữa lúc trong nước có làn sóng kêu gọi tẩy chay du lịch Thái Lan, báo chí Trung Quốc vẫn đưa tin tích cực về quá trình tìm kiếm và cứu hộ, về chuyến thăm của Thủ tướng Thái Prayut Chan-ocha tới các bệnh viện nơi du khách Trung Quốc đang điều trị.
“Khu vực tìm kiếm đang được mở rộng. Phía Thái Lan đã cam kết rằng các nỗ lực tìm kiếm của họ sẽ không dừng lại cho đến khi du khách Trung Quốc mất tích cuối cùng được tìm thấy.
Cảnh sát Thái Lan sẽ tìm ra nguyên nhân tai nạn sớm nhất có thể, quyết định lỗi thuộc về ai và bắt bên có lỗi chịu trách nhiệm một cách không khoan nhượng” - theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh.