Triều Tiên vừa cử một phái đoàn ngoại giao cấp cao sang Phần Lan dự cuộc gặp bán chính thức ba bên với các cựu quan chức chính phủ và học giả Hàn Quốc, Mỹ bàn các cuộc gặp thượng đỉnh của Hàn Quốc và Mỹ với Triều Tiên.
Theo các nguồn tin của Yonhap thì trong phái đoàn quan chức ngoại giao cấp cao này có Phó Tổng Giám đốc Các vấn đề Bắc Mỹ Choe Kang-il, từng có mặt trong phái đoàn Triều Tiên sang dự lễ bế mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang ở Hàn Quốc cuối tháng 2.
“Hiện không có gì để chia sẻ. Tôi sẽ nói khi trở về” - ông Choe Kang-il nói tại sân bay quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 18-3 trước khi lên máy bay sang Phần Lan.
Ông Choe Kang-il tại sân bay quốc tế Bắc Kinh ngày 18-3, trước khi lên chuyến bay đến Phần Lan. Ảnh: YONHAP
Tại thủ đô Helsinki (Phần Lan), ông Choe dự kiến sẽ dự tiệc tối do chính phủ Phần Lan mời vào tối 19-3 và đối thoại với các phái đoàn Hàn Quốc, Mỹ trong hai ngày 20 và 21-3. Theo thông tin từ hãng tin STT (Phần Lan) thì cuộc gặp sẽ diễn ra tại Đại sứ quán Nhật ở Helsinki.
Tham gia cuộc gặp bán chính thức này sẽ có 18 người, mỗi nước sáu người. Trong phái đoàn Mỹ có các cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Khthleen Stephens, Thomas Hubbard, các học giả Bob Carlin, John Delury, Karl Eikenberry.
Tham gia phái đoàn Hàn Quốc có cựu đại sứ nước này tại Nhật Shin Kak-soo, cựu đại sứ tại Trung Quốc Shin Jung-seung, GS Kim Joon-hyung cùng một số học giả khác.
Theo lời GS Kim Joon-hyung nói với Yonhap thì ban đầu cuộc gặp được thiết kế để bàn cách giảm căng thẳng, tuy nhiên thực tế cuộc gặp lần này nhiều khả năng sẽ bàn đến các cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến sẽ diễn ra giữa Hàn Quốc và Mỹ với Triều Tiên.
“Trong một ngày rưỡi gặp nhau, các bên sẽ bắt đầu bàn bạc ngay không chờ đến bài phát biểu mở màn nào” - theo GS Kim Joon-hyung.
Theo Yonhap, cuộc gặp này có thể xem như một cơ hội chuẩn bị cho các cuộc gặp thượng đĩnh giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng 4 và với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 5.
Các chuyên gia Hàn Quốc và Mỹ có thể sẽ quan sát cuộc gặp này để xác định rõ hơn ý định thật sự của Triều Tiên với việc giải trừ hạt nhân, trước khi các lãnh đạo chính thức gặp thượng đỉnh.
Vai trò của phái đoàn Mỹ trong cuộc gặp này là nhằm tạo cầu nối giữa chính phủ Trump và Triều Tiên trước cuộc gặp thượng đỉnh. Tuy nhiên theo Yonhap, hiệu quả thế nào còn phải chờ xem, khi các cựu quan chức và các học giả đều trước đó phục vụ trong chính phủ tiền nhiệm Obama.
Điểm đáng chú ý là gần hai tuần sau khi đặc phái viên chuyển đề nghị và Tổng thống Trump đồng ý gặp, hiện Triều Tiên vẫn chưa có phản ứng chính thức trở lại với ông Trump.