Mỹ thời điểm này vẫn chưa bàn gì chuyện đàm phán hạt nhân với Triều Tiên dù Triều Tiên có lời mời gặp thượng đỉnh, Yonhap dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ ngày 9-3.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8-3 chấp nhận lời mời gặp thượng đỉnh bất ngờ từ phía lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Cuộc gặp có thể sẽ diễn ra trong tháng 5, bàn về giải trừ vĩnh viễn hạt nhân Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải)tiếp Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong đến chuyển thông điệp mời gặp của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Nhà Trắng ngày 8-3. Ảnh REUTERS
Quan chức này nhấn mạnh Tổng thống Trump đang phối hợp “rất chặt” với Hàn Quốc trong suốt tiến trình bàn bạc gặp thượng đỉnh, tuy nhiên hiện còn quá sớm để bàn chuyện thanh sát hay thẩm tra chương trình hạt nhân Triều Tiên.
“Thời điểm này chúng tôi thậm chí chưa nói gì về chuyện đàm phán. Điều chúng tôi đang nói tới chỉ là về lời mời của lãnh đạo Triều Tiên gặp trực tiếp Tổng thống Mỹ. Tổng thống đã chấp nhận lời mời này” - Yonhap dẫn lời quan chức này nói với một số nhà báo trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại sau khi quyết định của ông Trump được thông báo.
Câu nói này trả lời câu hỏi liệu chuyện thanh sát các cơ sở hạt nhân Triều Tiên có nằm trong nội dung làm việc của cuộc họp thượng đỉnh giữa hai ông Trump và Kim.
“Rõ ràng, sự thẩm tra sẽ đi cùng với thỏa thuận giải trừ vĩnh viễn hạt nhân Triều Tiên và chúng tôi sẽ theo đuổi mục tiêu cao nhất này. Đây là mục tiêu cả thế giới mong chờ, là mục tiêu của mọi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc” - quan chức này nói thêm.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quan sát vụ thử tên lửa Hwasong-12 hồi tháng 9-2017. Ảnh: REUTERS
Khi được hỏi tại sao Mỹ không bắt đầu đối thoại với Triều Tiên ở cấp thấp hơn và về đồn đoán có thể Mỹ có lý do hay thỏa thuận bí mật nào đó khiến ông Trump tự tin đồng ý gặp ông Kim sớm, quan chức này nói ông Trump xác định sẽ tiếp cận Triều Tiên theo cách “rất khác với các cách tiếp cận trước của các tổng thống trước”.
“Không thể có một ví dụ điển hình nào tốt hơn điều này trong chính sách Triều Tiên của ông ấy. Thực tế, quay lại thời điểm 1992, Mỹ đã từng có nhiều cuộc đối thoại trực tiếp ở cấp thấp với Triều Tiên và tôi nghĩ bản thân lịch sử đã nói lên kết quả” - theo quan chức này.
Quan chức này một lần nữa khẳng định cam kết của ông Trump duy trì tối đa hóa áp lực lên Triều Tiên, tránh lặp lại các sai lầm các chính phủ Mỹ tiền nhiệm từng mắc phải.
“Nếu nhìn vào lịch sử các cuộc thương lượng diễn ra dưới thời các chính phủ tiền nhiệm, thường chúng dẫn đến giảm áp lực. Chúng ta thường nhượng bộ để kéo Triều Tiên đối thoại. Tổng thống Trump nói rất rõ ngay từ đầu rằng không có ý định nhân nhượng Triều Tiên để đổi lấy đàm phán”.