Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận rằng quân đội Nga đã sử dụng tên lửa siêu thanh Oreshnik tấn công một cơ sở quân sự ở TP Dnipro (Ukraine) hôm 21-11, vũ khí này đã nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế.
Với tốc độ và độ chính xác dường như “không có đối thủ”, cùng mục tiêu Nga đặt ra là sản xuất hàng loạt trong tương lai gần, tên lửa Oreshnik có thể là một bước ngoặt đối với hoạt động quân sự của Moscow, theo đài RT.
Bên dưới đây là những gì quốc tế biết cho đến nay về tên lửa Oreshnik và tác động tiềm tàng của loại vũ khí này.
Độ chính xác cao và tốc độ siêu thanh
Trái ngược với một số tuyên bố, tên lửa Oreshnik (tiếng Nga có nghĩa là Cây phỉ) không phải là bản nâng cấp của các hệ thống tên lửa thời Liên Xô, theo ông Putin. Thay vào đó, đây là một sự phát triển hoàn toàn mới được xây dựng dựa trên công nghệ hiện đại của Nga.
Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng tên lửa này đại diện cho sự phát triển vượt bậc của "Nước Nga mới", ám chỉ những phát triển sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. "Nó được tạo ra trên cơ sở những phát triển hiện đại nhất và mới nhất" - ông Putin tuyên bố.
Tên lửa Oreshnik được mô tả là vũ khí tầm trung có độ chính xác cao, di chuyển với tốc độ siêu thanh. Ông Putin đã làm rõ rằng mặc dù không được coi là vũ khí "chiến lược", nhưng khả năng của nó vẫn rất đáng gờm.
"Do sức tấn công đáng kinh ngạc, đặc biệt là khi sử dụng hàng loạt, quy mô lớn và thậm chí kết hợp với các hệ thống tầm xa khác cũng có độ chính xác cao, việc sử dụng Oreshnik sẽ có sức mạnh tương đương với vũ khí chiến lược" - nhà lãnh đạo Nga cho hay.
Tên lửa này có thể bay với tốc độ lên tới Mach 10 (khoảng 12.200 km/giờ), tức là gấp khoảng 10 lần tốc độ âm thanh. Tốc độ cao khiến nó cực kỳ khó bị đánh chặn bằng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại.
"Không có phương tiện nào trên thế giới có thể chống lại các tổ hợp Oreshnik" - ông Putin khẳng định, giải thích rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của phương Tây, bao gồm những hệ thống được triển khai ở Tây Âu, không thể đánh chặn các tên lửa di chuyển nhanh như vậy.
Trong khi đó, Tổng cục tình báo quân sự Ukraine (HUR) ngày 22-11 cho biết rằng tên lửa siêu thanh Oreshnik mới của Nga đã đạt tốc độ tối đa lên đến hơn 13.600 km/giờ và chỉ mất khoảng 15 phút để đến mục tiêu ở TP Dnipro (Ukraine) kể từ khi phóng, theo hãng tin Reuters.
Cũng theo HUR, tên lửa siêu thanh Oreshnik mới của Nga được trang bị 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn chứa 6 đầu đạn con. Tốc độ của đầu đạn ở giai đoạn cuối của quỹ đạo bay là trên Mach 11, tức trên 13.600 km/giờ. HUR cho biết thêm rằng vũ khí này có khả năng thuộc tổ hợp tên lửa Kedr đã được Nga thử nghiệm lần đầu vào tháng 6-2021.
Nga chưa bình luận về thông tin trên của Ukraine.
Lần đầu thực chiến, cũng là màn trả đũa Kiev
Tên lửa Oreshnik lần đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu vào ngày 21-11 vừa qua, khi nó tấn công một cơ sở quốc phòng của Ukraine tại TP Dnipro. Mục tiêu là Nhà máy Chế tạo máy phương Nam (Yuzhmash) - một trong những tổ hợp công nghiệp quốc phòng lớn và nổi tiếng nhất của Ukraine, cũng là nơi Kiev sản xuất thiết bị tên lửa.
Ông Putin nói rằng cho cuộc tấn công hôm 21-11 là để đáp trả việc Kiev sử dụng vũ khí tầm xa, như Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (tên lửa ATACMS) của Mỹ và hệ thống Storm Shadow của Anh, tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
"Xung đột khu vực ở Ukraine đã có những yếu tố mang tính chất toàn cầu" - ông Putin nói, đồng thời nhấn mạnh những tác động rộng hơn bắt nguồn từ sự can dự của phương Tây vào cuộc xung đột.
Sẽ được sản xuất hàng loạt
Sau cuộc thử nghiệm thành công và lần đầu tiên sử dụng vũ khí mới ở Ukraine ngày 21-11, Nga đã cam kết sản xuất hàng loạt hệ thống này.
"Việc sản xuất hàng loạt Oreshnik thực tế đã được triển khai" - ông Putin xác nhận, thêm rằng các tên lửa này dự kiến sẽ được đưa vào Lực lượng tên lửa chiến lược (RSVS) của Nga.
Điều này cho thấy chúng sẽ trở thành một phần quan trọng trong chiến lược quân sự dài hạn của Nga, với tiềm năng triển khai diện rộng trong những tháng tới.
Ông Putin lưu ý rằng quá trình phát triển tên lửa diễn ra nhanh chóng và hiệu quả, với các công nghệ trong nước đảm bảo rằng Moscow đã "giải quyết các vấn đề nguồn cung thay thế nhập khẩu". Điều này cho thấy Nga đã xoay xở để phát triển Oreshnik hoàn toàn bằng nguồn lực nội địa, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các linh kiện nước ngoài.
Tác động toàn cầu và tầm quan trọng chiến lược
Tên lửa Oreshnik được coi là một bước tiến đáng kể trong năng lực tên lửa của Moscow - một bước tiến có thể gây ra biến chuyển lớn cho cả cuộc xung đột Ukraine và an ninh quốc tế nói chung.
Theo Tướng Sergei Karakayev - người đứng đầu Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga, tên lửa Oreshnik "có thể tấn công các mục tiêu trên khắp châu Âu". Điều này khiến Oreshnik không chỉ là vũ khí mạnh mẽ trong chiến trường Ukraine mà còn có thể tạo tác động địa chính trị rộng hơn nếu căng thẳng leo thang hơn nữa.
Mặc dù Nga không mô tả rõ ràng tên lửa này là vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng độ chính xác và sức mạnh hủy diệt của nó cho thấy nó có thể được sử dụng để nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở các quốc gia đối đầu với Moscow. Theo quan điểm của ông Putin, tên lửa Oreshnik mang lại cho Nga lợi thế công nghệ mà hiện tại không có quốc gia nào khác có thể sánh kịp.
Phản ứng quốc tế và diễn biến trong tương lai
Ngày 22-11, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nói rằng phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi Moscow phóng tên lửa Oreshnik vào Ukraine là nhằm mục đích làm rõ rằng “những quyết định và hành động liều lĩnh của các nước phương Tây” chắc chắn sẽ nhận lại phản ứng từ Nga.
Tên lửa Oreshnik đã gây ra báo động ở phương Tây. Việc sử dụng vũ khí mới này, kết hợp với cuộc xung đột ở Ukraine, đã thúc đẩy các lời kêu gọi tăng cường phòng không.
Hãng AFP ngày 22-11 dẫn nguồn tin rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ukraine sẽ họp khẩn vào ngày 26-11 về vụ Nga phóng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) có tốc độ siêu thanh Oreshnik vào Ukraine.
Theo nguồn tin, cuộc họp do Ukraine yêu cầu và sẽ diễn ra ở cấp đại sứ. Cuộc họp sẽ được tổ chức theo hình thức tham vấn kín, tập trung thảo luận khả năng cung cấp thêm các hệ thống phòng không hiện đại giúp Ukraine đối phó với mối đe dọa từ tên lửa mới của Nga.
NATO, Ukraine và Nga chưa bình luận về thông tin trên.
Hãng thông tấn Interfax dẫn nguồn tin thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine rằng Kiev đang thảo luận với Mỹ để có được hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo THAAD hoặc hệ thống Patriot nâng cấp để đối phó. RT thì đưa tin rằng có thể phía Kiev đang tìm kiếm cả hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis từ Washington.
Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy chúng sẽ có hiệu quả chống lại Oreshnik, theo RT.