Thủ tướng: 'Việt Nam vẫn giao dịch tiền Bitcoin, vậy tại sao không đưa vào quản lý?'

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề thực tế tại Việt Nam vẫn có giao dịch tiền Bitcoin, tuy nhiên nội dung này vẫn chưa được đưa vào quản lý…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 23-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Phát biểu tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là hai dự án luật rất quan trọng, tạo cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

“Kỷ nguyên mới, như Tổng Bí thư Tô Lâm nói là xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường và thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no. Điều đó đòi hỏi đổi mới tư duy vận hành, quản lý dựa trên tổng kết thực tiễn, cái gì tốt thì phát huy, cái nào còn vướng mắc phải tháo gỡ” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đời thực thế nào, đời ảo thế đó

Về Luật Công nghiệp công nghệ số, Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành. Quá trình ban hành luật thì vừa làm, vừa rút kinh nghiệm mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội nhưng phải làm.

“Trí tuệ nhân tạo bây giờ khác lắm, mà rõ ràng ta thấy đời thực như thế nào thì đời ảo như thế” - Thủ tướng nói và đặt vấn đề trong thực tế Việt Nam vẫn giao dịch tiền Bitcoin, vậy thì tại sao không đưa vào quản lý?

thu-tuong-pham-minh-chinh.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đồng tình phải có chính sách ưu đãi về đất đai, lệ phí, điện, nước, kể cả ưu đãi bằng tiền… để phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tri thức. Bởi theo ông “muốn chạy nhanh, muốn chạy xa, đi trước, đón đầu” thì phải đi vào công nghệ mới, bên cạnh động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.

Điều quan trọng, theo Thủ tướng, là phải tính toán để có chính sách ưu đãi phù hợp, đủ sức thuyết phục để nhà đầu tư đến Việt Nam. Với quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, người đứng đầu Chính phủ lưu ý phải tính toán lợi ích tổng thể, trên cơ sở đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp công nghệ số. “Thử nghiệm có kiểm soát nghe thì rất đúng. Thí điểm, thử nghiệm có kiểm soát để cảm thấy an toàn nhưng mình cứ giữ vòng an toàn thì không gian sáng tạo bị hạn chế” - Thủ tướng nói.

Về quy định kiểm soát đối tượng và phạm vi, theo Thủ tướng, nếu kiểm soát thì kiểm soát thời gian mới là quan trọng, còn phải mở phạm vi và đối tượng trong ngành công nghệ số để tạo không gian sáng tạo. Từ đó, ông đề nghị nghiên cứu lại khái niệm kiểm soát.

“Chúng ta thí điểm, lại có kiểm soát, tức là vẫn có vòng kim cô, nghe thì rất hay nhưng tôi cảm giác sẽ hạn chế không gian đổi mới sáng tạo. Cho nên nếu kiểm soát thì kiểm soát thời gian có vẻ hiệu quả hơn kiểm soát phạm vi và đối tượng” - ông gợi ý.

Phải tạo không gian cho doanh nghiệp phát triển

Về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng mô hình quản lý thì có nhiều, mỗi giai đoạn có yếu tố lịch sử và nhìn chung hoàn thành yêu cầu đặt ra trong từng bối cảnh, giai đoạn.

Song mô hình hiện tại chưa ổn định và điều này cũng hiểu được do đất nước đang trong quá trình phát triển. Do đó, quá trình làm sẽ nghiên cứu mở rộng dần với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, cái gì được thì giữ, cái gì không được thì loại.

“Tôi suy nghĩ hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, quy luật giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính được” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thí điểm mà có kiểm soát tức là vẫn có vòng kim cô
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận.

Ông cũng đề nghị luật phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền. Đầu tư công thì theo luật đầu tư công. Còn vốn của tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào đâu thì hội đồng quản trị quyết định và chịu trách nhiệm chứ không phải đi xin cấp hành chính này kia.

“Thời gian, trí tuệ, quyết định kịp thời, đúng lúc là yếu tố quyết định cho thành công. Vừa qua, Tổng Bí thư nêu lãng phí thời gian, mà thời gian là tiền bạc, sao cứ để loay hoay mãi. Do vậy, phải phân cấp mạnh, quy định trong luật cho rõ cái gì được làm và không được làm” - ông nói.

Đồng tình với cơ quan thẩm tra rằng khi đánh giá doanh nghiệp cần đánh giá tổng thể giá trị mang lại chứ không đánh giá từng việc một, Thủ tướng nêu ví dụ trong 10 việc được giao, có thể 2-3 việc họ làm chưa tốt, thua lỗ nhưng “tổng thể vẫn dương” là bảo toàn và phát triển vốn.

“Kinh doanh không phải ngày một, ngày hai nên phải đánh giá tổng thể. Tổng vẫn dương mà xử lý họ là chưa phù hợp tình hình, quy luật” - Thủ tướng nêu và đề nghị rà soát thiết kế công cụ để khuyến khích đổi mới sáng tạo, dứt khoát bỏ tư duy không quản lý được thì cấm.

Do đó, dự thảo luật nên quy định quản lý tới doanh nghiệp dạng nào và tới người chịu trách nhiệm trực tiếp, còn lại để họ quản lý cấp dưới. Như Trung ương quản lý tỉnh, còn tỉnh quản lý huyện, huyện quản lý xã.

“Chương trình mà Trung ương đi làm tận xã thì tắc, mà tắc là lãng phí nên đưa cho tỉnh một cục, còn tỉnh quyết định phân bổ vào đâu, ai làm. Trung ương không làm thay tỉnh, tỉnh không thay huyện, huyện không làm thay xã. Tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Quản lý doanh nghiệp cũng cần theo thế, không can thiệp sâu vào F3, F4” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm