Đại biểu đề nghị cần tránh tình trạng 'trả lời để trả lời thôi'

(PLO)- Đại biểu cho rằng lần sửa Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND lần này phải hướng vào những vấn đề thực sự hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 22-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND.

Sửa đổi luật phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả

Đại biểu (ĐB) Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên) kể lại câu chuyện về việc giám sát công nhận liệt sĩ cho tử sĩ Trần Đình Thi. Suốt 40 năm, gia đình tử sĩ Trần Đình Thi đã gửi đơn và gặp nhiều cơ quan chức năng đề nghị giải quyết nhưng vụ việc vẫn “treo”.

Trong nhiều nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cũng theo đuổi vụ việc nhưng cuối cùng vẫn không có kết quả cụ thể. Phải đến sau khi Ban Dân nguyện của QH về Thái Nguyên tiếp xúc cử tri, có ý kiến cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên giám sát thì vụ việc mới được giải quyết, tử sĩ Trần Đình Thi được công nhận liệt sĩ.

Đại biểu đề nghị cần tránh tình trạng 'trả lời để trả lời thôi' hoạt động giám sát
Đại biểu Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên) nêu ý kiến góp ý. Ảnh: QH

Từ thực tế hoạt động giám sát, nữ ĐB cho rằng đối với các cơ quan mà chức năng, nhiệm vụ đã được quy định thì phải hết sức quan tâm, tập trung giải quyết những vấn đề mà cử tri, đặc biệt là các đoàn ĐBQH gửi ý kiến, nhất là với các bộ, ngành. Tránh tình trạng “trả lời để trả lời thôi, còn kết quả thì chưa như mong muốn”.

“Vừa rồi Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cũng có ý kiến với Bộ GTVT, các đồng chí đã trả lời, có đầy đủ văn bản nhưng cử tri Thái Nguyên không đồng tình và tiếp tục có ý kiến. Tôi kể câu chuyện trên để các đồng chí thấy rằng luật lần này chúng ta bàn, sửa đổi thì phải hướng vào những vấn đề thực sự hiệu lực, hiệu quả” - bà Hảo nhấn mạnh.

Góp ý vào nội dung cụ thể, ĐB Hảo đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 30 việc giám sát, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chứ không chỉ là chuyển đơn đến các cơ quan. Bởi nếu chỉ quy định như vậy thì không khác gì làm nhiệm vụ của cơ quan chuyển đơn thư, bưu điện.

“Giám sát, tổ chức chương trình làm việc như vậy, đơn thư chuyển đi rồi cuối cùng không giải quyết cũng không sao cả. Như vậy sẽ làm mất đi tính hiệu lực, hiệu quả của chương trình giám sát” - bà Hảo cho hay.

Về đảm bảo thực hiện kết luận kiến nghị giám sát, ĐB Hảo cho hay dự luật đã bổ sung quy định gửi kết luận đó đến người đứng đầu cơ quan cấp trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, thay vì chỉ đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan tiến hành giám sát, trên phương tiện thông tin đại chúng như luật hiện hành.

Tuy nhiên, theo bà Hảo, quy định như vậy vẫn chung chung và đề nghị nghiên cứu bổ sung các giải pháp cụ thể, đảm bảo kết luận kiến nghị giám sát phải được thực hiện. Nếu không thực hiện thì phải rõ trách nhiệm.

Đề nghị ĐBQH được chất vấn các cơ quan ở địa phương

ĐB Bùi Xuân Thống (đoàn Đồng Nai) cũng đánh giá hiệu quả của hoạt động giám sát thời gian qua không cao. “Nhiều vụ việc được giám sát, đã có kết luận kiến nghị nhưng nếu các cơ quan, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện thì chúng ta chỉ có cái quyền là đi… méc, méc tới khi nào đưa ra tới QH thì mới tính được” - ông Thống nói.

Ông Thống cho rằng hoạt động giám sát ở địa phương có hiệu quả là nhờ vào uy của trưởng đoàn ĐBQH là phó bí thư tỉnh ủy. “Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát làm sao tăng hiệu lực, hiệu quả giám sát của ĐBQH, đoàn ĐBQH” - ông Thống đề nghị.

Về các nội dung cụ thể, ĐB Thống cho hay những ý kiến trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật là xác đáng. ĐB đoàn Đồng Nai đề nghị nghiên cứu bổ sung đoàn ĐBQH được tổ chức các phiên giải trình, ĐBQH được chất vấn, có thể chất vấn bằng văn bản đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.

“Hiện nay, khi chúng tôi thực hiện các phiên giải trình của HĐND tỉnh thì thấy sau khi giải trình xong, HĐND tỉnh dù muốn hay không cũng phải quay trở lại việc kiến nghị tới Ủy ban Thường vụ QH, QH. Tuy nhiên, đôi khi việc tổng hợp lại không nhanh bằng kiến nghị qua kênh của đoàn ĐBQH đối với Ủy ban Thường vụ QH, QH. Nếu tạo được kênh này thì hiệu quả phối hợp giữa đoàn ĐBQH với HĐND, truyền tải những khó khăn, bất cập tới QH sẽ nhanh hơn” - ĐB Thống nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm