Ủng hộ Huế là TP trực thuộc Trung ương nhưng phải giữ được nét xưa

(PLO)- Đa số đại biểu ủng hộ đưa Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương để có thêm điều kiện phát triển nhưng phải giữ được hồn cốt, di sản cố đô…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 21-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương. Đa số đại biểu ủng hộ đưa Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương để có thêm điều kiện phát triển nhưng phải giữ được hồn cốt, di sản cố đô…

Ủng hộ Huế là TP trực thuộc Trung ương nhưng phải giữ được nét xưa
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Lê Trường Lưu tại phiên thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG

Để TP Huế là đô thị di sản

Đồng tình với sự cần thiết thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương nhưng đại biểu (ĐB) Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) bày tỏ băn khoăn về tên gọi của TP này. “Hiện tỉnh Thừa Thiên-Huế có TP Huế, nếu lấy tên là TP Huế trực thuộc Trung ương thì rất dễ nhầm với TP Huế hiện tại” - ĐB Tiến nói và đề xuất tên gọi là TP Thừa Thiên-Huế để bao quát hết phạm vi của tỉnh cũng như tránh nhầm lẫn với tên gọi của TP Huế hiện tại.

Còn ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhấn mạnh TP Huế và tỉnh Thừa Thiên-Huế có những đặc thù rất riêng, có quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

“Tôi nhất trí cao với quan điểm phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế và du lịch là kinh tế mũi nhọn, TP Huế là đô thị di sản” - ĐB Nga nhấn mạnh. ĐB Nga đề nghị định hướng phát triển của Huế phải giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong quá trình đô thị hóa, giữ gìn được cảnh quan môi sinh di sản, di tích, chú trọng đào tạo chuyển đổi nghề cho người dân, nhất là các ngành nghề thuộc lĩnh vực dịch vụ và du lịch…

Cùng nội dung này, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế thể hiện sự đổi mới quan trọng về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị theo hướng xanh, văn minh, giàu bản sắc. ĐB Hòa cũng đề nghị Trung ương quan tâm nhiều hơn về nguồn lực để TP Huế vươn xa hơn về kinh tế - xã hội, nhất là đô thị đặc thù của cố đô.

Tạo điều kiện để Hải Phòng bứt phá

Chiều cùng ngày, QH cũng thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng. Thảo luận tại đây, ĐB Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) nhấn mạnh mô hình chính quyền đô thị mới sẽ tạo động lực để TP Hải Phòng tiếp tục phát triển. ĐB Tân cũng khẳng định TP Hải Phòng sẽ tích cực triển khai hiệu quả nghị quyết này sau khi được QH thông qua.

“Chúng tôi cũng hy vọng trong một tương lai không xa Chính phủ trình ra QH nghị quyết đề ra thay thế Nghị quyết 35 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng để TP có sự phát triển bứt phá” - ĐB Tân nhấn mạnh.

Mọi điều kiện đã chín

Tham gia thảo luận, ĐB Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, cho hay thời gian qua, toàn tỉnh đã luôn nỗ lực, phấn đấu để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đưa tỉnh Thừa Thiên-Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương. Theo ông Lưu, điều này sẽ mở ra cơ hội phát triển mới không những cho tỉnh mà còn lan tỏa ra cả vùng.

“Thừa Thiên-Huế sẽ tạo động lực và sức bật mới không chỉ cho tỉnh Thừa Thiên- Huế, động lực của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung mà còn đối với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, góp phần thực hiện chiến lược phát triển đô thị quốc gia” - ông Lưu nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế cũng khẳng định mô hình phát triển của Huế đã được lựa chọn là đô thị di sản, sinh thái, đảm bảo môi trường và thông minh, không phát triển dân cư, nhà cửa mật độ cao, đô thị nén. “Giải quyết hài hòa giữa bài toán bảo tồn, phát triển sẽ tạo điều kiện cho TP Huế giữ gìn, bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị di sản đặc sắc của thế giới và cả nước” - ông Lưu nhấn mạnh.

Giải trình làm rõ hơn vấn đề các ĐB nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định các điều kiện để thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương đã rất chín muồi. Theo bà Trà, đây là một nhiệm vụ có ý nghĩa chính trị - kinh tế - xã hội rất sâu sắc không chỉ với tỉnh mà còn với cả vùng và cả nước.

“Chúng tôi đã thống nhất với UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế xây dựng một kế hoạch để ngay sau khi QH ban hành nghị quyết sẽ triển khai luôn nhằm phát triển TP Huế, giải quyết tốt các mối quan hệ về phát triển kinh tế - xã hội với môi trường, giải quyết tốt giữa bảo tồn, phát huy với tốc độ đô thị hóa” - bà Trà nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm