Iraq, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay phong tỏa người Kurd

Iraq đang có kế hoạch sẽ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran kiểm soát biên giới khu tự trị người Kurd ở Iraq, Bộ Quốc phòng Iraq tuyên bố ngày 29-9.  

Sau khi người Kurd trưng cầu độc lập với kết quả đồng ý, ba nước Iraq, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu KRG giao lại quyền kiểm soát các tiền đồn ở biên giới với ba nước và hai sân bay quốc tế Erbil và Sulaimaniya. KRG từ chối.

Người Kurd biểu tình bên ngoài sân bay quốc tế Erbil (Iraq) ngày 29-9, phản đối lệnh cấm bay của chính phủ Iraq. Ảnh: REUTERS

Người Kurd biểu tình bên ngoài sân bay quốc tế Erbil (Iraq) ngày 29-9, phản đối lệnh cấm bay của chính phủ Iraq. Ảnh: REUTERS

Theo Bộ Quốc phòng Iraq, “việc lấy lại quyền kiểm soát các tiền đồn biên giới và các sân bay đang được lên kế hoạch với sự hợp tác của chính phủ các nước láng giềng, không có sự chậm trễ nào”.

Trước đó, ngày 28-9, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim nói muốn họp thượng đỉnh với các lãnh đạo Iran và Iraq bàn phản ứng với người Kurd.

“Chúng tôi có kế hoạch hợp tác với nhau trong tương lai gần về các bước đi tiếp theo. Chúng tôi muốn một cuộc gặp ba bên” - Thủ tướng Yildirim nói với báo chí từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim. Ảnh: AFP

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim. Ảnh: AFP

Truyền hình nhà nước Iraq cho biết Iraq đã triển khai các phái đoàn quân sự đến khu vực tiền đồn biên giới KRG với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Đầu ngày 29-9, lệnh cấm các chuyến bay quốc tế đến khu vực người Kurd của chính phủ Iraq có hiệu lực. Hãng tin Tasnim (Iran) cho biết Iran đã ngưng xuất, nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ từ KRG. Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói đã đồng ý chỉ làm việc với chính phủ Iraq về chuyện mua bán dầu.

Chính phủ Iraq yêu cầu người Kurd hủy kết quả trưng cầu hoặc đối mặt trừng phạt, cô lập quốc tế, thậm chí cả can thiệp quân sự.

Iraq, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Syria đều có bộ phận người Kurd sinh sống -gần 30 triệu người, hàng chục năm trời vất vả ngăn chặn họ đòi ly khai, độc lập. Trong đó vất vả nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, nước có số lượng người Kurd lớn nhất với 14 triệu người, với cuộc chiến với tổ chức Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Ngày 29-9, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Mỹ không công nhận kết quả trưng cầu độc lập của KRG, đề nghị các bên chấm dứt các hành động đe dọa lẫn nhau.

“Mỹ không công nhận cuộc trưng cầu đơn phương của KRG ngày 25-9. Cuộc bỏ phiếu và kết quả thiếu tính pháp lý và chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ một liên bang Iraq thống nhất, dân chủ và thịnh vượng. Chúng tôi đề nghị các bên bình tĩnh và chấm dứt buộc tội hay hành động đe dọa lẫn nhau” - theo ông Tillerson.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm