Người Kurd ở Iraq đã đồng ý độc lập, ông Masoud Barzani, lãnh đạo chính quyền khu vực người Kurd (KRG) ngày 26-9 thông báo kết quả cuộc trưng cầu ngày trước đó.
Phát biểu trên truyền hình, ông Barzani kêu gọi thế giới tôn trọng mong muốn của người Kurd. Theo ông, chính phủ Iraq đối thoại nghiêm túc thay vì đe dọa trừng phạt KRG. Sau kết quả này, ông Barzani sẽ thương lượng với chính phủ Iraq cũng như các nước láng giềng để ly khai, thành lập nhà nước riêng.
Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Syria bác đối thoại độc lập
Chính phủ Iraq trước đó đã bác bỏ khả năng đối thoại với KRG, cho rằng cuộc trưng cầu này không hợp hiến, không công nhận kết quả.
“Chúng tôi không sẵn sàng bàn bạc hay đối thoại về kết quả trưng cầu, vì nó không hợp hiến” - Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố tối 25-9.
Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Mỹ, nhiều nước châu Âu cực lực phản đối quyết định trưng cầu độc lập của người Kurd tại Iraq.
Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, đặc biệt Thổ Nhĩ Kỳ nhiều thập niên qua rất vất vả ngăn chặn người Kurd trong nước đòi ly khai, độc lập. Hai nước này lo ngại cuộc trưng cầu độc lập của người Kurd ở Iraq sẽ khuyến khích cộng đồng người Kurd tại nước mình làm theo đòi độc lập. Những ngày qua, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có nhiều bước đi đe dọa chiến tranh với người Kurd ở Iraq như phong tỏa biên giới, tập trận chung.
Người Kurd tại Iraq xuống đường mừng sự kiện trưng cầu độc lập ngày 25-9. Ảnh: REUTERS
Tại Iran, hàng ngàn người Kurd xuống đường ăn mừng kết quả bất chấp quân đội Iran triển khai máy bay chiến đấu bay tuần tra trên đầu.
Syria, nước đang khốn khổ vì nội chiến và vì sự chống đối của người Kurd cũng tuyên bố phản đối cuộc trưng cầu.
Mỹ, Nga vẫn duy trì ủng hộ
Người Kurd ở Iraq là đồng minh thân thiết với Mỹ từ năm 1991, được Mỹ bảo vệ khỏi chính phủ ông Saddam. Dù là đồng minh nhưng Mỹ lâu nay vẫn muốn người Kurd ở Iraq tránh các bước đi đơn phương để không hủy hoại sự ổn định của Iraq cũng như làm Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận. Về quyết định trưng cầu độc lập, Mỹ nói “thất vọng sâu sắc” nhưng cũng cho biết sẽ không thay đổi quan hệ.
Lãnh đạo người Kurd tại Iraq Masoud Barzani trong một cuộc họp báo ở TP Erbil (bắc Iraq) ngày 24-9. Ảnh: REUTERS
Nga tuyên bố ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, khác các nước khác, Nga không trực tiếp kêu gọi người Kurd ở Iraq hủy trưng cầu. Nga trong năm 2016 hứa hẹn đầu tư hàng tỉ USD cho khu vực người Kurd, trở thành nhà đầu tư lớn nhất với người Kurd.
Sau khi phương Tây đánh bại đế chế Ottoman ở thế chiến thứ nhất một thế kỷ trước, cộng đồng người Kurd bị chia rẽ sống rải rác ở 4 nước Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Syria với tổng cộng khoảng 30 triệu người. Thổ Nhĩ Kỳ là nước có cộng đồng người Kurd lớn nhất, 14 triệu người. Ở Iraq, nước vừa tổ chức trưng cầu là 5,2 triệu người.
Khu vực người Kurd ở tại Iraq trở thành vùng tự trị từ năm 2003 sau khi Mỹ đưa quân vào Iraq lật đổ Tổng thống Saddam Hussein. Từ khi không còn ông Saddam, người Kurd ở Iraq suy nghĩ nghiêm túc ý định độc lập, cân nhắc đến các đe dọa, trở ngại từ chính phủ Iraq, các láng giềng và Mỹ.
14 năm nội chiến qua, khu vực tự trị của người Kurd ở Iraq vẫn duy trì được sự bình yên trong khi tất cả địa phương còn lại của Iraq phải lao đao vì cuộc chiến.
4 năm qua, người Kurd ở Iraq tạo được sự độc lập về kinh tế cho mình bằng cách mở một tuyến đường ống bán dầu qua Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, mới hai ngày trước Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ đóng đường ống này nếu người Kurd đòi độc lập.