Giải mã bí mật những căn nhà nguyên vẹn giữa bão lửa ở Los Angeles

(PLO)- Trong khi hàng chục nghìn căn nhà bị bão lửa ở Los Angeles (Mỹ) thiêu trụi, một số công trình vẫn trụ vững, gần như không bị hư hại nhờ nhiều yếu tố khác nhau.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khoảng 12.000 căn nhà, doanh nghiệp và các công trình khác có thể đã bị phá hủy trong các vụ cháy rừng đang hoành hành ở Los Angeles (bang California, Mỹ), đài CNN đưa tin.

Giữa khung cảnh đó, một số ít căn nhà vẫn đứng vững, có vẻ như không chịu thiệt hại gì đáng kể và trở thành điểm nổi bật giữa những dãy nhà đã bị thiêu rụi và đổ nát.

Giải mã bí mật về những căn nhà nguyên vẹn giữa bão lửa ở Los Angeles.jpg
Ngôi nhà do kiến trúc sư Greg Chasen thiết kế, xây dựng gần như không bị hư hại trong khi khu phố xung quanh đã bị trận bão lửa ở Los Angeles thiêu trụi. Ảnh: X

Các chuyên gia lưu ý rằng những căn nhà như vậy còn đứng vững giữa bão lửa ở Los Angeles nhờ những điểm độc đáo trong thiết kế và thi công công trình, sự chuẩn bị phòng cháy của chủ nhà, cũng như sự may mắn nhất định.

Áp dụng các giải pháp chống cháy trong thiết kế, xây dựng

Kiến trúc sư Greg Chasen chia sẻ trên mạng xã hội X rằng một căn nhà mà ông thiết kế và hỗ trợ xây dựng đã đứng vững giữa cháy rừng đang lan rộng ở Los Angeles.

Ông Chasen nói với CNN rằng các bức tường của căn nhà có khả năng chống cháy – tức là dù tiếp xúc liên tục với lửa thì vẫn không bắt lửa – trong ít nhất 1 giờ, trong khi mái nhà được làm bằng vật liệu không cháy và sàn nhà cũng được quét lớp bảo vệ chống cháy.

Các tấm kính của căn nhà đều có đặc điểm cường lực. Hai khung kính cửa số bị hư hại: một chiếc bị vỡ hoàn toàn và chiếc khác bị nứt. Các tấm kính khác vẫn nguyên vẹn đã giúp ngăn các tia lửa xâm nhập vào trong nhà, bảo vệ các đồ nội thất vốn dễ bắt cháy hơn.

Ông Chasen lưu ý rằng các đặc điểm chống cháy này chưa được coi là “ưu tiên” trong thiết kế và thi công. Theo một báo cáo tại California, các biện pháp an toàn chống cháy này có thể làm tăng chi phí xây một căn nhà thêm 2-13%.

Sở Lâm nghiệp và phòng cháy-chữa cháy California đang khuyến khích người dân “gia cố” nhà của mình và triển khai các tính năng chống cháy. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu độc lập Headwaters Economics, chi phí “gia cố một phần” có thể dao động từ 2.000-15.000 USD, còn “gia cố hoàn toàn” có thể tốn tới 100.000 USD.

Giảm nguy cơ bắt lửa, tạo 'không gian phòng thủ' cho công trình

Kiến trúc sư Chasen cũng lưu ý tới sự chuẩn bị của chủ nhà khi dọn dẹp sạch sẽ cảnh quan xung quanh, nhất là ngay khi nhận thấy nguy cơ đám cháy có thể lan tới công trình.

Chủ nhà đã mở một cánh cửa gỗ có tác dụng như một cầu chì, tránh trường hợp căn nhà bị chìm trong một vòng lửa kín. Rác và lò nướng ngoài trời cũng đã được dọn dẹp ra xa khỏi công trình.

Những căn nhà nguyên vẹn giữa bão lửa ở Los Angeles.jpg
Một biệt thự ở TP Malibu (bang California, Mỹ) còn nguyên vẹn, trong khi những công trình xung quanh đã bị thiêu trụi trong trận bão lửa ở Los Angeles. Ảnh: X

Bà Janice Coen – chuyên gia về hoả hoạn thuộc Trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ – lưu ý rằng các vật liệu dễ cháy như thảm thực vật khô xung quanh các công trình là một trong những đặc điểm khiến bão lửa ở Los Angeles lan rộng và gây thiệt hại nặng nề hơn.

Bà Coen cho rằng sự chuẩn bị của chủ nhà giúp tạo ra “không gian phòng thủ” giúp giảm các nguồn bức xạ nhiệt ảnh hưởng trực tiếp tới cấu trúc chính của căn nhà, giúp nó có khả năng trụ vững cao hơn.

Trông chờ vào sự may mắn không thể đoán trước

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp một căn nhà ở vùng ngoại ô – được xây bằng vật liệu chống cháy nhưng nằm lọt giữa thảm thực vật khô và bụi rậm – vẫn trụ vững. Chủ nhà là ông Eric Martin đã khóc nghẹn khi nhận thấy căn nhà vẫn còn nguyên vẹn sau trận bão lửa ở Los Angeles.

Ông Martin cho rằng điều này chỉ đơn giản là “sự may mắn ngẫu nhiên”.

Dưới góc độ khoa học, bà Coen cho biết thời tiết và hướng gió – những yếu tố có thể thay đổi nhanh chóng và liên tục trong thời gian xảy ra đám cháy – cũng ảnh hưởng tới mức độ hư hại của công trình.

Bà Coen giải thích rằng có rất nhiều sự thay đổi mức độ thiệt hại do các đám cháy rừng, có trường hợp một số khu vực bị thiêu trụi trong khi những khu vực khác gần đó gần như không bị ảnh hưởng.

CNN còn nhắc tới việc một số công trình – ngoại trừ một số biệt thự được các nhóm lính cứu hoả tư nhân bảo vệ – vẫn trụ vững đơn giản vì chúng tình cờ được các lực lượng cứu hoả do chính quyền cử tới bảo vệ kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm