Ngày 25-9, người Kurd ở Iraq đi bỏ phiếu trưng cầu độc lập theo sự tổ chức của Chính quyền Khu vực người Kurd (KRG) ở bắc Iraq, bất chấp đe dọa của chính phủ Iraq và các láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, Iran.
Theo thể thức trưng cầu, không chỉ người Kurd mà cả không phải người Kurd từ 18 tuổi trở lên ở bắc Iraq đều có quyền bỏ phiếu. Ủy ban trưng cầu ước tính số người bỏ phiếu hợp lệ khoảng 5,2 triệu, gồm cả người sống ở nước ngoài.
“Chúng tôi đã đợi cả 100 năm cho ngày này. Chúng tôi muốn có một quốc gia riêng, với sự giúp đỡ của Chúa. Hôm nay là ngày kỷ niệm với toàn thể người Kurd. Cầu Chúa phù hộ, chúng tôi sẽ nói đồng ý, đồng ý cho quốc gia người Kurd” – Reuters dẫn lời một người Kurd đứng xếp hàng chờ bỏ phiếu ở TP Erbil, thủ phủ của KRG.
Người Kurd khoe dấu hiệu mình vừa bỏ phiếu trưng cầu, tại Halabja (Iraq) ngày 25-9. Ảnh: REUTERS
Kết quả trưng cầu sẽ có trong vòng 72 giờ. Reuters dẫn dự đoán nhiều nhà quan sát rằng khả năng lớn kết quả sẽ là đồng ý cho người Kurd độc lập. Theo đó, lãnh đạo KRG Massoud Barzani được ủy nhiệm thương lượng ly khai với chính phủ Iraq cũng như với cả các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Thời thế chiến thứ nhất, các sức mạnh thực dân Anh và Pháp đã chia nhỏ đế chế Ottoman và cộng đồng người Kurd trở thành cộng đồng lớn nhất trong khu vực chịu tình trạng không có nhà nước. Cả khu vực hiện đang có khoảng 30 triệu người Kurd, sống ở các vùng biên giới 4 nước Iraq, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, và Syria.
Bảo vệ an ninh khu vực bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở Erbil (Iraq) ngày 25-9. Ảnh: REUTERS
Trước khi trưng cầu diễn ra, lãnh đạo KRG Barzani phải chịu áp lực rất lớn từ quốc tế, lo ngại nguy cơ xung đột giữa người Kurd với không chỉ chính phủ Iraq mà cả với các láng giềng đầy sức mạnh như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iran lo ngại việc người Kurd ở Iraq độc lập sẽ khuyến khích người Kurd tại các nước này làm theo.
Mỹ trước đó đã kêu gọi KRG hủy bỏ trưng cầu, lo ngại sẽ làm xao lãng cuộc chiến đánh IS. Trong khi đó Hội đồng Bảo an LHQ cảnh báo cuộc trưng cầu có nguy cơ hủy hoại Iraq.
Ngày 24-9, chính phủ Iraq yêu cầu các nước ngừng giao dịch mua bán dầu với người Kurd, đòi KRD trao trả quyền kiểm soát các sân bay quốc tế và các đồn biên phòng với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Iran thông báo lệnh cấm bay trực tiếp đến và đi khu vực người Kurd ở Iraq.
Ngày 25-9, Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa cửa biên giới Habur ở đông nam, giáp biên giới phía bắc Iraq. Trước đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ gọi cuộc trưng cầu là “sai lầm nghiêm trọng”, đe dọa sẽ dùng “mọi biện pháp” phù hợp luật quốc tế nếu cuộc trưng cầu này đe dọa đến an ninh quốc gia mình.
Bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở Halabja (Iraq) ngày 25-9. Ảnh: REUTERS
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không công nhận kết quả trưng cầu, cáo buộc KRG đe dọa hòa bình, ổn định Iraq và khu vực, cảnh báo nguy cơ “các phần tử cực đoan và khủng bố” có thể sẽ trỗi dậy phá hoại an ninh sau cuộc trưng cầu.
Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo người Thổ đang sinh sống ở các tỉnh người Kurd chiếm đa số ở Iraq như Dohuk, Erbil, Sulaimaniya nhanh chóng rời đi để đảm bảo an toàn.
Dù đe dọa nhưng Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn chưa đụng chạm gì đến đường ống xuất khẩu dầu của người Kurd bắc qua lãnh thổ mình.