“Israel ủng hộ các nỗ lực hợp pháp của người Kurd để lập nên quốc gia của riêng họ” - Reuters dẫn lời Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 13-9 nói.
Israel duy trì các quan hệ quân sự, tình báo và thương mại kín đáo với lực lượng người Kurd kể từ những năm 1960. Nước này luôn xem người Kurd là lực lượng quan trọng giúp đối phó các kẻ thù trong khu vực. Người Kurd hiện phân bố trên các phần lãnh thổ nằm giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iran.
Hôm 12-9, lãnh đạo lực lượng người Kurd tại Iraq Massoud Barzani nói rằng ông sẽ xúc tiến kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tách khỏi Iraq vào ngày 25-9 tới, bất chấp Quốc hội Iraq bỏ phiếu bác bỏ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: AP
Tuy nhiên, ông Netanyahu lại nói rằng Israel xem đảng Lao động người Kurd (PKK) tại Thổ Nhĩ Kỹ là một nhóm khủng bố. Tuyên bố này cho thấy Israel có cùng lập trường với Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Trong một bài phát biểu hồi năm 2014, ông Netanyahu từng lên tiếng ủng hộ “khao khát giành độc lập của người Kurd”. Ông nói rằng họ xứng đáng có được “sự độc lập về chính trị”.
Các cường quốc phương Tây lo ngại một cuộc trưng cầu dân ý ở khu vực bán tự trị của người Kurd ở Iraq có thể đẩy sự chú ý của dư luận ra khỏi cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hiện nay.
Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria lại phản đối việc người Kurd tại Iraq tổ chức trưng cầu dân ý để ly khai vì lo ngại động thái có thể châm ngòi cho phong trào đòi ly khai của các nhóm thiểu số ở những nước này. Hiện Iraq không có quan hệ ngoại giao với Israel nhưng lại có quan hệ chặt chẽ với Iran - nước được xem là kẻ thù của Israel.
Theo Reuters, người Kurd tìm cách thiết lập một nhà nước độc lập ít nhất từ cuối Thế chiến I, khi các cường quốc phân chia Trung Đông sau sự sụp đổ của đế quốc Ottoman.