Lơ Triều Tiên, ông Trump muốn gì?

Tương lai thượng đỉnh Mỹ-Triều thêm mơ hồ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22-5 nói có thể hoãn gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến diễn ra tại Singapore ngày 12-6 tới. Tiếp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Trắng, ông Trump nói tương lai cuộc gặp giữa ông và ông Kim tùy thuộc vào hành động của lãnh đạo Bình Nhưỡng.

Ông Trump “không vui” với Triều Tiên

Thượng đỉnh Mỹ-Triều là chủ đề chính trong cuộc gặp song phương giữa ông Trump và ông Moon. Ông Trump nói “không vui” với những thay đổi gần đây trong thái độ của Triều Tiên. Triều Tiên tuần trước ngưng liên lạc cấp cao với Hàn Quốc và dọa hủy thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Theo ông Trump thì giọng điệu Triều Tiên thay đổi từ sau khi ông Kim có lần gặp thứ hai với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Trump ví ông Tập như một “người dàn xếp tầm cỡ thế giới” và muốn ông Tập gắn kết với hòa bình bán đảo Triều Tiên.

Lo ngại tương lai thượng đỉnh Mỹ-Triều càng tăng khi ngày 22-5, tàu khu trục tên lửa USS Milius - một trong những tàu khu trục tiên tiến nhất của hải quân Mỹ - cập cảng căn cứ hải quân Yokosuka ở Nhật vốn là trụ sở của Hạm đội 7. Tàu USS Milius sẽ gia nhập hai tàu khác của Hạm đội 7, nâng số tàu chiến của hải quân Mỹ ở căn cứ hải quân Yokosuka lên 13 tàu.

Reuters nhận định Mỹ đưa tàu USS Milius đến Nhật nhằm tăng sức phòng thủ trước nguy cơ bị tấn công tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên hay từ bất kỳ đối thủ nào ở Đông Á. Hành động thể hiện sức mạnh này nhắc nhở Mỹ vẫn có khả năng sẽ đặt áp lực quân sự lên Triều Tiên, buộc nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Với các tên lửa có khả năng bắn hạ đầu đạn trong không gian, tàu USS Milius nằm trong tuyến đầu đối phó với tên lửa đạn đạo tầm xa xuất phát từ Triều Tiên.

Chưa hết, trước đó trên Twitter ngày 21-5, ông Trump còn đề nghị Trung Quốc đóng cửa biên giới với Triều Tiên đến khi có được thỏa thuận hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Trắng ngày 22-5. Ảnh: REUTERS

Ông Trump dọa hay thật?

Hiện có hai luồng ý kiến về tác động từ phát ngôn mới của ông Trump và việc triển khai tàu USS Milius đến Nhật. Một cho đây là dấu hiệu cho sự chết yểu của cuộc gặp thượng đỉnh, một cho đây là chiến thuật thương lượng nhằm có được sự thắng thế trước Triều Tiên và phần lớn nghiêng về khả năng thứ hai. Trong ngày 22-5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nói vẫn tiếp tục chuẩn bị cho cuộc gặp.

99,9% thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên sẽ diễn ra đúng kế hoạch.

Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc 
CHUNG EUI-YONG 

Theo The Hill, đây chỉ là chiến thuật thương lượng, vì cuộc gặp nếu không diễn ra sẽ là một thất bại với ông Trump khi kiềm chế hạt nhân là mục tiêu hàng đầu trong đối ngoại của ông. Nhà phân tích Bonnie Glaser tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) cho rằng sở dĩ ông Trump làm thế vì không muốn bị xem là hào hứng với cuộc gặp hơn ông Kim. Đây là bước đi thông minh để chứng tỏ Mỹ cũng sẵn sàng từ bỏ thượng đỉnh chứ không riêng gì Triều Tiên.

Dù thế nào, theo Giám đốc điều hành Hội đồng Mỹ-Triều Tiên Jessica Lee, rất khó để xác định ông Trump đang “giả vờ” hay thật sự mất niềm tin vào tiến trình ngoại giao và tìm kiếm thỏa thuận với Triều Tiên. Tuy nhiên, theo bà, thực tế số phận cuộc gặp bị đe dọa ở những phút cuối là sự thức tỉnh với những ai đang chủ quan về nguy cơ chiến tranh với Triều Tiên.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều có còn cơ hội?

Nếu nhìn toàn cảnh có thể nhận ra vẫn còn một số dấu hiệu cho thấy cửa ngoại giao Mỹ và Triều Tiên vẫn mở. Yonhap cho biết Triều Tiên ngày 23-5 đã chấp nhận danh sách các nhà báo Hàn Quốc được phép sang đưa tin lễ đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri - nơi diễn ra sáu vụ thử hạt nhân trước nay của Triều Tiên - dự kiến diễn ra trong thời gian từ ngày 23 đến 25-5.

Ngày trước đó, từ Bắc Kinh, một nhóm nhà báo Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc bay đến Triều Tiên chờ đưa tin về lễ đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Tám nhà báo Hàn Quốc đã sang Bắc Kinh để đi cùng chuyến bay này nhưng bị ngăn lại vì Triều Tiên không đồng ý danh sách nhưng không giải thích lý do. Việc Triều Tiên đồng ý danh sách là diễn biến tích cực.

Nhiều chuyên gia nhận định tình hình chính trị nội bộ sẽ khiến hai ông Trump và Kim, đặc biệt ông Trump gạt bỏ bất đồng ngồi vào bàn đàm phán. Theo chuyên gia Lee, nếu ông Trump không làm vậy sẽ dẫn tới một làn sóng bất ổn và tình trạng mấp mé chiến tranh mới, đe dọa sinh mạng không chỉ dân Mỹ mà cả các đồng minh, chưa kể khiến kinh tế toàn cầu gặp rủi ro.

Nhà báo Tom Cheshire của Sky News (Mỹ) - có trong đoàn nhà báo nước ngoài sang Triều Tiên đưa tin về lễ đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri - cho biết sau khi đoàn đến TP Wonsan, Triều Tiên đã tịch thu điện thoại vệ tinh của các nhà báo. Một số nhà phân tích nghi ngờ tính chân thành của Triều Tiên trong việc này khi chỉ mời nhà báo chứ không mời các thanh sát viên hạt nhân quốc tế đến chứng kiến. Ông Middlebury, Giám đốc chương trình không phổ biến hạt nhân Đông Á tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury, cho rằng việc đóng cửa bãi thử Punggye-ri cũng chỉ mang tính biểu tượng như việc Triều Tiên phá hủy một tháp làm mát ở khu phức hợp hạt nhân Yohgbyon năm 2008. Điều gì xảy đến tiếp theo còn tùy vào kỹ năng thương lượng của ông Trump. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm